Trên công trình thủy lợi nơi Bác về thăm

Cách đây hơn 65 năm, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại cống Xuân Quan (Văn Giang), mở đầu việc xây dựng công trình Ðại thủy nông Bắc Hưng Hải - công trình có quy mô lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Với diện tích tự nhiên hơn 20 vạn héc-ta, khu vực Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi bốn con sông: Sông Hồng, sông Ðuống, sông Luộc và sông Thái Bình.

Cống Xuân Quan (Văn Giang) - công trình đầu mối của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Cống Xuân Quan (Văn Giang) - công trình đầu mối của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Theo tài liệu của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, mối quan tâm hàng đầu của Ðảng và Chính phủ đối với Nhân dân các tỉnh trong vùng là xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để khắc phục úng, lụt, hạn hán, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đi đôi với phát triển phong trào hợp tác xã để cùng với miền Bắc vững mạnh tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Ðảng và Nhà nước đã sớm có chủ trương xây dựng hệ thống thủy lợi theo một quy hoạch thống nhất ở vùng này để phục vụ nông nghiệp phát triển vững chắc. Công trình xây dựng cống Xuân Quan - công trình đầu mối của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chính thức khởi công ngày 1/10/1958, bảo đảm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng nước cho một vùng tứ giác có diện tích tự nhiên gần 215 nghìn héc-ta được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Ðuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Ðông và sông Luộc ở phía Nam. Các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn rộng lớn trong tứ giác đó, vì thế hệ thống thủy nông này được đặt tên là Bắc Hưng Hải. Ðây là công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Trong quá trình xây dựng, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm và nhấn mạnh ý nghĩa của đại thủy nông Bắc Hưng Hải đối với công cuộc chống hạn. Lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào ngày 20/9/1958. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương mười năm chín hạn. Năm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, cải cách ruộng đất thành công, đời sống đồng bào ba tỉnh đã được cải thiện ít nhiều. Nhưng mỗi năm mỗi tỉnh vẫn phải tốn từ 1 triệu rưởi đến 3 triệu ngày công vào việc khơi mương, đào giếng, tát nước, chống hạn. Tốn nhiều công sức, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Ðảng và Chính phủ quyết định cùng Nhân dân xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”... Người ân cần động viên: “Cán bộ và đồng bào quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt... Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Ðảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể Nhân dân”... Người đề nghị phải tổ chức thật tốt, phải lãnh đạo thật tốt, dân công cũng như quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ và dụng cụ phải sẵn sàng đầy đủ.

Vâng lời Bác, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh đùm cơm nắm muối vừng nô nức, hừng hực khí thế quyết tâm hành quân ra công trường. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh) sang; từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện (Hải Dương) lên; từ Kim Ðộng, Khoái Châu, Văn Giang… kéo về như ngày hội.

Ngày 20/2/1959, trước khi công trình hoàn thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường lần thứ tư. Ðến cống Xuân Quan, Người xem xét từng hạng mục công trình và nghe Ban Chỉ huy công trình báo cáo về tình hình thi công. Người thăm hỏi cán bộ, bà con dân công và động viên mọi người quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trước mắt, giữ vững ý chí thi đua lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường.

Giữ đúng lời hứa với Bác, ngày 1/5/1959, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng tuôn về đồng ruộng, giữa tiếng reo hò của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và Nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Cán bộ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải kiểm tra vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan (văn Giang)

Cán bộ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải kiểm tra vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan (văn Giang)

Ngày nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang thực hiện cấp nước tưới cho gần 120 nghìn héc-ta cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 3 triệu người dân trong vùng... Sau 65 năm đưa vào khai thác, sử dụng, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các tỉnh, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có 11 công trình đầu mối trên trục chính, 400 trạm bơm lớn với 1,2 nghìn máy bơm từ 1 đến 8 nghìn m3/s và hàng nghìn trạm bơm nhỏ, trên 800 cống tưới, tiêu, 225km sông trục chính và hàng nghìn km kênh nội đồng. Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hệ thống Bắc Hưng Hải, tháng 12/2023, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNN) đã khởi công xây dựng trạm bơm dã chiến Xuân Quan. Trạm bơm có 8 máy bơm công suất lớn, lưu lượng thiết kế 16m3/s, chiều dài 26m, rộng 7,4m với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Sau gần 4 tháng thi công xây dựng, ngày 27/3/2024, trạm bơm dã chiến Xuân Quan chính thức đi vào vận hành, góp phần từng bước kiểm soát ô nhiễm nguồn nước sông Kim Sơn và hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

Ngoài các công trình đầu mối và hệ thống công trình trên các kênh trục Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư xây dựng với gần 650 trạm bơm chuyên tưới, chuyên tiêu và tưới tiêu kết hợp; hệ thống kênh mương nội đồng của tỉnh cơ bản hoàn thiện từ công trình đầu mối tới mặt ruộng, với tổng chiều dài hơn 6 nghìn km, làm nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế của tỉnh. Phát huy truyền thống của địa phương nhiều năm dẫn đầu phong trào làm thủy lợi, được Bác Hồ tặng cờ thi đua, hằng năm, tỉnh đều đầu tư kinh phí và huy động nguồn lực nạo vét thủy lợi đông xuân, nạo vét những điểm ách tắc cục bộ, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm sự thông thoáng dòng chảy. Nhờ vậy đến nay, việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh của tỉnh đã được chủ động kịp thời. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất canh tác trong đê thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải đã được tưới chủ động 100% bằng động lực. Hệ số tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Tình trạng úng ngập trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết chủ động, kịp thời và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tren-cong-trinh-thuy-loi-noi-bac-ve-tham-3175043.html