Trên mặt đất bình yên

Tôi luôn có một hành động giống như một nghi lễ đối với các con và sau này là các cháu tôi. Đó là khi các con, các cháu bắt đầu biết đi, tôi đưa các con, cháu mình về làng và đặt chúng lên mặt đất với hai bàn chân trần để chúng bước đi. Và mỗi khi nhìn các con, cháu tôi chập chững bước những bước đầu tiên trên mảnh đất quê hương, nước mắt tôi lúc nào cũng trào ra.

Đất sinh ra sự sống, sinh ra những vẻ đẹp làm ra văn hóa của nhân loại.

Đất sinh ra sự sống, sinh ra những vẻ đẹp làm ra văn hóa của nhân loại.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Một niềm thiêng liêng lớn lao dâng ngập trong tôi. Không hình ảnh gì lớn lao và thiêng liêng bằng hình ảnh một sinh linh nhỏ bé được sinh ra và bước những bước đầu tiên trên mặt đất dưới mặt trời. Lúc đó, tôi tin các vị Thánh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tất cả những người đã khuất đã mở vòng tay rộng lớn đón chào một đứa con của mảnh đất này.

Không có gì kỳ lạ hơn đất đai dưới chân ta. Từ trong đất nâu im lặng, thẳm sâu và mênh mông đã mọc lên một thế giới thiêng liêng và kỳ vĩ: những mùa ngũ cốc, những cây trái, những ngôi nhà, những dòng sông, những ngọn đồi, những con đường và kể cả những ngôi mộ. Một trong những phong tục vô cùng thiêng liêng và bí ẩn của người Việt trong bao đời nay là khi một đứa trẻ được sinh ra, người ta cắt rốn nó và chôn xuống mảnh đất của mình để cho đứa trẻ đó mãi mãi không rời xa mảnh đất ấy dù chỉ là sự rời xa trong tâm tưởng. Năm 2012, tờ báo Văn học Nga đã bình chọn bài thơ “Bài hát về cố hương’’ của tôi là bài thơ nước ngoài hay nhất trong năm với lý do bài thơ đã thiêng liêng hóa về một mảnh đất mà con người sinh ra và trú ngụ. Trong bài thơ đó có đoạn:

Tôi hát bài hát về cố hương tôi

Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó

Nó không tiêu tan, nó thành con giun đất

Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao

Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ

Bò qua bãi tha ma của người làng chết đói

Đất đùn lên máu chảy ròng ròng.

Đất sinh ra sự sống, sinh ra những vẻ đẹp làm ra văn hóa của nhân loại. Nhưng đất cũng chính là nơi ôm vào lòng bao buồn đau, mồ hôi và máu chảy bởi triền miên những cuộc chiến tranh tranh giành đất đai, bảo vệ lãnh thổ.

Thổ dân Úc có lịch sử hơn 40 ngàn năm. Người da trắng đã đến và lấy đi đất đai thiêng liêng của họ. Năm 1992, tôi đến Úc và đã đến thăm trụ sở của Đại sứ quán thổ dân Úc. Gọi là trụ sở sứ quán thổ dân Úc thực ra chỉ là một túp lều truyền thống của thổ dân Úc dựng lên trước tòa nhà khổng lồ của Quốc hội Úc để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi lại đất đai của tổ tiên họ mà những người da trắng đã chiếm. Nhớ cách đây mấy năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ lấy tên là “Sông núi trên vai’’. Thế là không ít người ùa vào ném đá, giễu cợt và mỉa mai cái tên ấy. Nhưng tôi nghĩ đó là một cái tên hay với nhiều ý nghĩa. Tôi có xem một bộ phim Mỹ nói về cuộc chiến tranh giữa người da đỏ và chính quyền của những người da trắng. Tôi nhớ mãi một tù trưởng trước khi chết nói với người con trai của mình: “Con phải mang núi đồi của tổ tiên trên lưng ngựa của con không một ngày rời bỏ’’. Sông núi, hay núi đồi ở đây chính là tổ quốc của họ. Bởi mất đất nghĩa là mất tự do, nghĩa là trở thành kẻ lưu vong hoặc nô lệ.

Năm 1989, khi từ Cuba kết thúc mấy năm học trở về nước, tôi đến chào một người phụ nữ Việt Nam mà tôi quen biết trong thời gian học ở Cuba. Bà lấy chồng người Hoa khi mới 14 tuổi. Rồi từ Việt Nam, bà đã theo gia đình nhà chồng lang thang nhiều nơi trên thế giới cuối cùng định cư ở hòn đảo Cuba. Bà đã khóc và nhờ tôi mang một túm tóc của bà về cố hương – Việt Nam để thả vào một cánh đồng thuộc tỉnh Bắc Giang. Bà nói với tôi, chỉ khi túm tóc đó của bà được cất giấu vào đất đai tổ tiên thì khi mất, bà mới có thể tìm thấy đường về với tổ tiên. Tôi đã hiểu được sự thiêng liêng lớn lao trong ước nguyện của bà và tôi đã giúp bà thực hiện điều ước nguyện đó. Bây giờ chắc bà không còn nữa. Và tôi tin linh hồn bà đã trở về với cố hương mình.

Năm 1997, tại San Jose, tôi có gặp một người Việt Nam rời tổ quốc ra đi trong tháng 4 năm 1975 bởi chiến tranh. Trước khi đi, ông đã lặng lẽ lấy một nắm đất trong vườn nhà và mang theo. Nắm đất đó được bỏ vào trong một chiếc hộp đặt trên ban thờ của ông ở xứ người. Khi tôi tới thăm gia đình ông, ông đã mở chiếc hộp nhỏ cho tôi xem nắm đất của cố hương mà ông mang theo. Tất cả những gì thiêng liêng nhất giữa con người và mảnh đất tổ tiên của họ đều có ở tất cả mọi dân tộc trên thế gian này.

Đất đai đã trở thành chốn linh thiêng của mọi con người sinh ra và lớn lên. Nhưng chính đất đai mà nhân loại gánh chịu biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các dân tộc trong cuộc tranh giành và mở rộng lãnh thổ. Có những vùng đất như một hòn đảo, thậm chí là một hòn đảo chìm trong sóng hầu như không có bất cứ lợi ích nào trong việc phát triển kinh tế quốc gia, nhưng không ai có thể cướp đi dù chỉ một giờ. Không ít quốc gia trên thế giới vì một lý do nào đó của lịch sử mà phải cống nộp một phần đất đai của tổ quốc mình cho một quốc gia khác. Nhưng những thế hệ sau đó có thể là hàng trăm thậm chí cả ngàn năm sau vẫn tìm mọi cách để đòi lại đất đai của tổ tiên mình.

Trên mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên, con người Việt Nam đã dựng lên một đời sống và một nền văn hóa thiêng liêng.

Trên mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên, con người Việt Nam đã dựng lên một đời sống và một nền văn hóa thiêng liêng.

Trước khi ông nội tôi mất, cụ đã dặn cha tôi dù phải đi ăn mày cũng không được bán đất của tổ tiên. Cha tôi đã khóc khi nghe ông nội tôi dặn vậy trước khi cụ nhắm mắt. Và cha tôi cũng luôn dặn dò tôi điều ấy khi cha tôi còn sống. Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn kể lại câu chuyện đó cho các con tôi nghe như truyền lại một trong những điều thiêng liêng nhất và quan trọng nhất của gia đình mình.

Giờ đây, đất đai đã trở thành bi kịch lớn của nhiều người Việt Nam. Hầu hết những quan chức Việt Nam bị pháp luật trừng phạt và vướng vòng lao lý đều liên quan ít nhiều đến đất đai. Có không ít người vụt trở nên giàu có bởi kinh doanh đất. Câu thành ngữ “Có đất là có tất cả’’ trước kia mang ý nghĩa linh thiêng và nguồn cội, còn ngày nay trong xã hội Việt Nam nó hầu như chỉ mang ý nghĩa vật chất. Có không ít những người nông dân đã nhận được một khoản tiền đền bù do ruộng đồng bị lấy làm dự án. Mấy năm sau, những người nông dân đó nhận ra họ đã mất đất và họ trở thành những kẻ sống “vật vờ’’ làm thuê những việc vụn vặt để kiếm sống. Những người nông dân đó giờ đây lại mang một giấc mơ đau đớn có lại mảnh đất của mình để cấy cày và gieo gặt trong sự yên bình của đời sống.

Bất động sản đã làm cho những mảnh đất vốn bình yên trong màu cây trái sôi lên sùng sục. Những khu đô thị hiện đại và sang trọng mọc lên thay đổi hình ảnh một đất nước nông nghiệp lạc hậu. Nhiều nơi, đứng trên đất thực sự là đứng trên một thế giới vàng. Nhưng cũng là nơi một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt đã và đang diễn ra. Cuộc cách mạng đô thị hóa thay đổi đất nước nhưng cũng thay đổi số phận bao người và thay đổi cả bản chất con người. Ngay trong một số gia đình thì đất đã trở thành một khối thuốc nổ phá tan mọi mối quan hệ máu thịt của gia đình đó. Có không ít những câu chuyện thương tâm và nhục nhã giữa cha mẹ con cái, giữa anh em với nhau đã diễn ra bởi đất. Lớn hơn là không ít nơi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân đã trở nên mất lòng tin và nhiều đau đớn bởi liên quan đến đất đai.

Tôi đã có những chiều cuối năm trở về làng và đứng trước những ngôi mộ của ngươìlàng bao đời. Trong cái mênh mông của đất đai và sự tĩnh lặng của một chiều cuối năm giữa những ngôi mộ, tôi như nhìn thấy toàn bộ lịch sử của dân tộc. Hết thếhệ này đến thế hệ khác đang sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và rồi nằm xuốngyên nghỉ trong đất đai mãi mãi. Và trên mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên, conngười Việt Nam đã dựng lên một đời sống và một nền văn hóa thiêng liêng. Họ đã dựng lên những vẻ đẹp thế gian và những vẻ đẹp ấy không thể lụi tàn chỉ trong mộtbước đi sai lầm và lòng tham không đáy của con người.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tren-mat-dat-binh-yen-1673864023142.htm