Trên nóng, dưới phải chuyển động

Sau 9 tháng thành lập (hết tháng 3/2023) nhiều Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên một số nơi còn bị động, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Trung ương cần tăng cường theo dõi, chỉ đạo để Ban chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực chất, có chiều sâu.

Ông Lê Văn Cuông.

Ông Lê Văn Cuông.

PV: Thưa ông, vừa qua nhiều địa phương đã phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng. Phải chăng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chuyển động mạnh ở cấp tỉnh?

Ông Lê Văn Cuông: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương tiến hành rất mạnh mẽ, hiệu quả, được dư luận, nhân dân đồng tình và hoan nghênh. Điều này đã lan tỏa tới địa phương. Trước kia “trên nóng, dưới lạnh” nhưng sau khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì giờ đây đã nóng dần lên.

Theo chỉ đạo của Trung ương, nếu địa phương hoạt động không tích cực, sâu sát để xảy ra tham nhũng mà Trung ương lại phát hiện được thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Các thiết chế để đôn đốc, đánh giá kết quả hoạt động của từng địa phương đã tác động rất lớn tới nhận thức và việc làm của người đứng đầu các địa phương trên vai trò Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó địa phương vào cuộc và thể hiện trách nhiệm của mình cao hơn trước đây rất nhiều. Hiện, ở địa phương đã có sự chuyển động, lan tỏa theo sức “nóng” từ Trung ương.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của nhân dân. Tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi hoạt động của địa phương dù đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều, có nơi tích cực, nhưng có nơi chưa vào cuộc hiệu quả. Có địa phương đã chuyển động trông thấy, có tiếng vang, nhưng cũng có địa phương chuyển động chưa rõ nét lắm, do đó Trung ương vẫn phải tăng cường theo dõi, chỉ đạo để hoạt động này đi vào thực chất, có chiều sâu, đồng bộ từ trên xuống dưới, và có hiệu quả tích cực hơn ở các địa phương.

Vậy làm sao để các nơi chuyển động đồng đều, thưa ông?

- Vấn đề là phải kiên trì, có cách thức đánh giá xem xét, đôn đốc, cũng như biểu dương khen thưởng những địa phương làm tốt, nhắc nhở địa phương làm chưa tốt. Qua đó để đảm bảo thông suốt “giữa nói và làm”. Địa phương làm tốt thì phát huy, địa phương chưa thực sự vào cuộc hay vào cuộc mờ nhạt thì phải nỗ lực để tạo nên sự chuyển biến từ Trung ương xuống địa phương một cách sâu rộng, có hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng “nhìn ngó nhau”, “hoạt động cầm chừng” tạo nên dư luận không tốt trong nhân dân khi hoạt động chưa đồng đều, chưa quyết liệt.

Từ câu chuyện ở Lai Châu có 6 cán bộ thanh tra bị bắt về tội nhận hối lộ cho thấy, tình trạng tham nhũng xảy ra ở ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, thưa ông?

- Theo tôi, đây là lực lượng “gác gôn”, là “thanh bảo kiếm” cho Đảng, Nhà nước mà tham nhũng, tiêu cực thì rất nguy hiểm. Bởi nó dung dưỡng, bao che và tiếp tay cho tham nhũng. Cho nên từ một số vụ tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng đã cho thấy tính chất nghiêm trọng, có tính “lợi ích nhóm”, hình thành “dây” để bao che, tiếp tay cho nhau.

Chúng ta cần phải giám sát quyền lực ở các cơ quan này đầu tiên. Chúng ta cần có thiết chế, chế tài để giám sát hoạt động của đội ngũ này, tránh làm phương hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đều là Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, nên chăng cần đưa tiêu chí hiệu quả của chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét trong đợt tái cử Trung ương khóa tới, thưa ông?

- Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là những người quyền lực. Kết quả hoạt động của họ ảnh hưởng tới cả ngành, và địa phương. Cho nên trong kiểm soát quyền lực chắc chắn đây là những người cần được “ưu tiên” giám sát, xem hoạt động của họ có tích cực, hiệu quả không? Kết quả hoạt động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá. Từ đó mới xem có đủ điều kiện tái cử, hay đề bạt, cất nhắc, có bản lĩnh, có thực hiện tốt quyết tâm, nghị quyết của Đảng hay không để cân nhắc bố trí tái cử, hay bổ nhiệm, đề bạt ở mức cao hơn.

Muốn đánh giá chuẩn xác cán bộ cần có các tiêu chí hết sức cụ thể, chứ không thể chung chung. Tiêu chí đánh giá càng cụ thể thì đánh giá càng chính xác. Đánh giá cán bộ là khâu hết sức quan trọng, phức tạp. Quy trình chặt chẽ và đúng nhưng đối tượng lại chưa đạt yêu cầu thì cần xem lại xem vấn đề đánh giá như thế nào?

Do đó chúng ta cần có tiêu chí cụ thể và có nhiều kênh cùng đánh giá để cân nhắc xem đánh giá đó có chuẩn mực không, có đúng không, để từ đó sử dụng cán bộ một cách chính xác.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tren-nong-duoi-phai-chuyen-dong-5713922.html