Trên quê hương 'Trung dũng, kiên cường'

Hơn 74 năm về trước, tỉnh Long An tự hào là một trong những địa phương khởi đầu sôi sục Nam Bộ kháng chiến với những địa danh Tân An, Chợ Lớn. Phát huy truyền thống 'Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc' cùng khí thế hào hùng mùa Thu lịch sử ngày ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn thi đua, cống hiến trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Phát huy truyền thống

Những ngày cuối tháng chín lịch sử, nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Long An có những chuyến về nguồn tại khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Những năm kháng chiến chống Pháp, Nhơn Hòa Lập vừa là căn cứ địa cách mạng, vừa là hành lang chiến lược quan trọng của Khu 8 và của toàn miền Nam. Giới thiệu với những người khách đến thăm địa phương, ông Lê Văn Cẩm, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập chia sẻ: “Ông và cha tôi thường kể nhiều chuyện kháng chiến ngày xưa và nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ những hy sinh của thế hệ trước để giành lại nền độc lập, tự do hôm nay. Chúng tôi tự hào với mảnh đất quê hương khi trước đây là chiến khu Đồng Tháp Mười, một trong ba chiến khu lớn của Nam Bộ. Chính nơi đây, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang vẫn hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân từ giai đoạn khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đến Nam Bộ kháng chiến năm 1945”.

 Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

Không chỉ Tân Thạnh, với vị trí địa lý đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến, vùng đất Tân An - Chợ Lớn nổi tiếng với nhiều địa danh như: Mộc Hóa, Kiến Tường, Đức Hòa, Cần Giuộc… Trên bờ sông Vàm Cỏ Tây (địa bàn thị xã Kiến Tường) ngày nay vẫn còn chứng tích khẩu súng thần công mà quân và dân Mộc Hóa - Kiến Tường đã bắn vào đoàn tàu chiến của Pháp trong những ngày Nam Bộ kháng chiến như nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng vào mặt trận xây dựng kinh tế, xã hội thời kỳ mới. Về Long An hôm nay, chúng ta nhận thấy sự “thay da đổi thịt”, khoác lên một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị trên nhiều lĩnh vực. Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Long An ngày ấy đi tiên phong trong kháng chiến thì hôm nay tiếp tục tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

Vốn là địa bàn chịu nhiều tàn phá của chiến tranh khi giai đoạn kháng chiến nhưng xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa) ngày nay đã mang hình dáng vùng đất nông thôn mới với những tuyến đường giao thông bê tông, nhựa hóa liền mạch, những khu vực chăn nuôi, trồng trọt được quy hoạch cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hình thành nền sản xuất hàng hóa, đời sống người dân không ngừng được tăng lên. Bà Lê Thị Ngọc Kim, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng cho biết: “Xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vào năm 1994 và năm 2016 được công nhận danh hiệu nông thôn mới, xã văn hóa. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, trên địa bàn xã hình thành các công ty, xí nghiệp, khu thương mại dịch vụ hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết lao động cho địa phương”.

Sức bật nông thôn mới

Điểm nổi bật tạo nên sự thay đổi những vùng quê cách mạng trên địa bàn tỉnh Long An là phong trào xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng những chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý, đúng đắn. Quá trình xây dựng nông thôn mới tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với phương châm phát huy truyền thống anh hùng, cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Bộ mặt nông thôn càng thêm đổi mới với trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông, điện, nước được đầu tư theo tiêu chuẩn nông thôn mới, tạo nên nhịp sống mới ở vùng quê hương cách mạng. Đặc biệt, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đều có sự chung tay, góp sức của nhân dân.

 Những cây cầu nông thôn được đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo vùng quê cách mạng tỉnh Long An.

Những cây cầu nông thôn được đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo vùng quê cách mạng tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Văn Ký, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh phấn khởi cho biết: “Địa phương đã phấn đấu gần đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 là diện tích sản xuất đến năm 2020 đạt 7.311ha/năm và sản lượng lương thực cả năm đạt 45.136 tấn. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được địa phương quan tâm nên thu nhập người dân tăng lên. Điện, nước sinh hoạt và ánh sáng văn hóa đến với mọi nhà. Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Màu xanh của cây trái, màu vàng của đồng lúa chín đã xóa bỏ đi hình ảnh vùng trũng ngập nước Đồng Tháp Mười ngày xưa”.

Đến nay, toàn tỉnh Long An có 77/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gần đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy là đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh huy động hơn 123.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, bảo đảm điện lưới quốc gia, hơn 97% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 50 triệu đồng/người/năm... Ngoài ra, tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020 có bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp gồm: vùng trồng lúa với 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000 ha và vùng bò thịt 5.000 con. Các vùng này tập trung chủ yếu ở địa phương là cái nôi cách mạng như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Đức Hòa…

Phát huy truyền thống 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khi kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, các lĩnh vực xã hội phát triển ổn định, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng nâng lên (năm 2018 xếp ở vị trí thứ ba cả nước), chỉ số cải cách hành chính xếp thứ bảy cả nước… Đặc biệt, ngày 5-9-2019 vừa qua, TP Tân An được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Long An. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Tân An nói riêng, tỉnh Long An nói chung, trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đồng chí Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh sẽ tiếp tục nâng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tiệm cận khu vực đô thị, chú trọng liên kết sản xuất, thành lập hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết… đi đôi với hoàn thành các chương trình đột phá, công trình trọng điểm giai đoạn 2015-2020. Long An phấn đấu khẳng định vị trí và vai trò quan trọng không chỉ trong thời kỳ kháng chiến, mà hiện nay trong phát triển kinh tế, xã hội, là cửa ngõ nối liền miền Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh với miền Tây Nam bộ.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tren-que-huong-trung-dung-kien-cuong-591760