Trên tuyến đầu chống dịch

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên lấy mẫu bệnh phẩm những người được cách ly tập trung để xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Ảnh do Phú Yên CDC cung cấp

Dũng cảm đối mặt nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, có nhiều thời điểm phải chạy đua với thời gian, các thầy thuốc trên tuyến đầu đã tận tụy làm việc và hy sinh rất nhiều cho sứ mệnh phòng chống đại dịch COVID-19.

Kỳ 1: “Ra trận”

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phú Yên và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - cơ sở y tế được giao nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và tiếp nhận, điều trị các ca dương tính - là những đơn vị đi đầu trong công cuộc phòng chống COVID-19.

Áo trắng “tác chiến”

Đêm 29 Tết, BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC và BSCKI Trần Ngọc Thân, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, vội vã lên đường đi Tuy An. Khu cách ly tập trung của huyện vừa ghi nhận 2 ca bệnh nghi ngờ.

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo chuyển lần lượt từng ca bệnh đến Trung tâm Y tế huyện Tuy An để tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, nếu một trong hai bệnh nhân thực sự dương tính. Bác sĩ Tân và bác sĩ Thân kịp thời có mặt, chỉ đạo tuyến huyện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình chuyển bệnh nhân. “Gần một giờ sáng mới về đến nhà. Chúng tôi rất lo “em” COVI đến thăm anh đêm 30”, bác sĩ Tân kể bằng giọng hài hước.

Rất nhanh chóng, mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân được chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm khẳng định. Những người chống dịch hồi hộp chờ. Càng gần đến lúc nhận kết quả, càng hồi hộp. Nếu một trong hai trường hợp trên, hoặc cả hai dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng chống dịch sẽ chạy đua với thời gian, tiếp tục truy vết… Một khối lượng lớn công việc được vạch ra. Hai giờ chiều 30 Tết, Viện Pasteur Nha Trang báo kết quả xét nghiệm: Âm tính. Các “chiến sĩ áo trắng” thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy bay bổng trong niềm vui. Vậy là được ăn Tết rồi!

Năm 2020, sau khi một số địa phương trong nước ghi nhận ca mắc COVID-19, CDC thành lập các đội phản ứng nhanh luân phiên ứng trực, nhận lệnh là lập tức lên đường đi giám sát, truy vết, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Các đội - hầu hết thành viên là nữ - làm việc bất kể giờ giấc, nhiều hôm đến 10-12 giờ đêm mới về tới nhà. Sau này, nhiệm vụ trên được giao cho tuyến huyện, song 7 đội phản ứng nhanh của CDC vẫn chia ca trực 24/24; hoạt động giám sát y tế tại Cảng hàng không Tuy Hòa vẫn được duy trì. Và một khi có ca bệnh nghi ngờ, nhân viên CDC phối hợp với tuyến huyện truy vết, giám sát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch.

Vất vả nhất là 3 đợt tiếp nhận công dân Việt Nam từ Liên bang Nga, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Ấn Độ, Hoa Kỳ về nước vào tháng 9, tháng 12/2020 và đầu năm 2021. “Khi tỉnh có kế hoạch đón công dân từ nước ngoài về, anh em nắm danh sách, xây dựng kế hoạch cụ thể, dự trù phương tiện, vật tư, phân công nhiệm vụ: vào sân bay Cam Ranh đón công dân, đưa về khu cách ly tập trung, lấy mẫu chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên xét nghiệm sàng lọc COVID-19…”, bác sĩ Thân cho biết. Có ngày, CDC lấy mẫu bệnh phẩm hàng trăm người.

Khi một người nhập cảnh có dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2, nhân viên CDC đến điều tra, báo với Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để đưa bệnh nhân đến khu cách ly y tế của đơn vị này và tiếp tục lấy mẫu làm xét nghiệm. Ngày 1/1/2021, Phú Yên tiếp nhận 349 công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ về nước. Tết Dương lịch, các “chiến sĩ áo trắng” miệt mài làm việc. Trong đoàn công dân từ Hoa Kỳ về lần lượt phát hiện 18 người mắc COVID-19; công việc của các “chiến sĩ áo trắng” trong thời điểm đó cứ thế mà chồng chất.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc, CDC là cơ quan tham mưu chính, cũng là lực lượng nơi “đầu sóng ngọn gió” trong phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, các “chiến sĩ áo trắng” ở CDC không ngại khó khăn vất vả, nguy cơ lây nhiễm, nhất là trong quá trình điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.

“Lúc đầu, nói đến COVI, chị em nào cũng sợ. Lấy mẫu xong, có người đòi ở lại cơ quan luôn, không dám về nhà tiếp xúc với chồng con. Giờ thì chị em nhuần nhuyễn rồi, cũng hết sợ rồi. Khi có yêu cầu là mặc trang phục phòng hộ như… phi hành gia và lên đường làm nhiệm vụ”, BSCKII Đoàn Văn Hải, Trưởng Khoa Xét nghiệm kể về các nữ “chiến sĩ áo trắng” thuộc thế hệ 8X ở khoa này trong thời gian đầu tham gia các đội phản ứng nhanh.

Cử nhân sinh học Phạm Thị Thái Hòa, một trong 5 “chiến sĩ áo trắng”, nhớ lại: “Thời gian đầu, sau khi đi lấy mẫu, chúng tôi trở về cơ quan, vội vàng tắm gội rồi mới về nhà, nhưng cũng không dám cho người thân lại gần”. Việc lấy dịch ngoáy họng làm cho bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn hoặc ho; lấy dịch tỵ hầu thì bệnh nhân hắt hơi, có khi trào cả nước mắt nước mũi. Vì vậy, khi lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế không đứng đối diện, đề phòng bệnh nhân ho, hắt hơi… Lấy mẫu xong rồi, họ tự hỏi liệu virus có bám vào đâu đó trên trang phục phòng hộ không, khi tháo trang phục liệu có sơ suất gì không? Cử nhân sinh học Đào Lê Vân kể: “Tôi để chồng con ngủ riêng, không dám nói chuyện với những người trong gia đình, cũng không dám đi đâu, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm, khi có kết quả âm tính mới dám đi ra khỏi nhà”.

Sau khi Đà Nẵng bùng phát dịch, Phú Yên đón bà con từ vùng dịch về cách ly tập trung, công việc vất vả cộng thêm lo lắng, các nữ “chiến sĩ áo trắng” ở đây sụt cân thấy rõ. Giờ họ đã vượt qua nỗi lo, vững vàng làm nhiệm vụ.

Bác sĩ làm việc tại khu cách ly y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khám cho một ca bệnh nghi ngờ. Ảnh: YÊN LAN

Bác sĩ làm việc tại khu cách ly y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khám cho một ca bệnh nghi ngờ. Ảnh: YÊN LAN

Bền bỉ “chiến đấu” với SARS-CoV-2

Công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 là của toàn dân song vất vả nhất, áp lực nhất, đối mặt với nhiều nguy cơ nhất, hy sinh thầm lặng nhất chính là những người ở tuyến đầu. Ngoài lực lượng CDC, không thể không nhắc đến các nhân viên y tế ngày đêm luân phiên trực tại các bốt sàng lọc, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ sở y tế; các y bác sĩ nhận nhiệm vụ tại phòng cách ly tạm thời của khoa Cấp cứu - nơi tiếp nhận những ca cấp cứu có yếu tố dịch tễ; các thầy thuốc khám sàng lọc những trường hợp nghi ngờ; cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại các khu cách ly y tế… Đặc biệt, phải kể đến những đóng góp, hy sinh âm thầm của đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - đơn vị được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị các ca bệnh xác định và xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết, phương tiện của Khoa Hóa sinh - Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chưa đầy đủ, các thiết bị được mua sắm cách đây 7-8 năm nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần xét nghiệm và có kết quả trả lời ngay cho địa phương thì anh em đã khai thác, tận dụng máy móc hiện có, triển khai xét nghiệm sàng lọc COVID-19 từ tháng 3/2020. Tính đến ngày 25/2/2021, gần 5.200 trường hợp đã được lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc. Có thời điểm, họ xét nghiệm hơn 200 ca một ngày, như khi tỉnh tiếp nhận công dân từ Nga về nước. Và khi tiếp nhận công dân từ Hoa Kỳ về nước, số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm tăng cao. Ngày 1/1/2021: xét nghiệm 200 trường hợp, ngày 2/1/2021: xét nghiệm 351 trường hợp. 4 kỹ thuật viên ở khoa, 2 kỹ thuật viên được CDC tăng cường và bác sĩ trưởng khoa làm việc quên giờ giấc. “Các kíp trực làm việc cả ngày lẫn đêm, đến khi có kết quả thì mới nghỉ ngơi. Có lúc 2-3 giờ chiều anh em mới ăn trưa, 8-9 giờ đêm mới ăn cơm chiều. Họ tận tụy làm việc, thầm lặng hy sinh”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.

Trong 3 đợt đón công dân Việt Nam về nước, qua xét nghiệm, 27 trường hợp dương tính lần lượt được phát hiện. Các thầy thuốc nhận nhiệm vụ tại khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 (khu dương tính) đã bền bỉ trong cuộc chiến với SARS-CoV-2.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Phạm Hiếu Vinh cho biết, khu dương tính hiện có 2 kíp trực, mỗi kíp 3 người gồm bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý; khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 (khu âm tính) cũng vậy. Ngoài cán bộ, nhân viên y tế ở Khoa Truyền nhiễm còn có nhân lực từ các khoa khác tăng cường. “Tất cả các khoa phòng sẵn sàng chi viện cho 2 khu cách ly y tế. Anh em đều thể hiện tinh thần trách nhiệm; BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm xung phong làm việc tại khu dương tính và nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn cho những tua trực sau”, BSCKII Phạm Hiếu Vinh kể. Làm nhiệm vụ ở khu dương tính, điều trị cho bệnh nhân bình phục, xuất viện, ê kíp bác sĩ - điều dưỡng - hộ lý còn phải cách ly trong vòng 14 ngày. Thời gian họ dành cho gia đình rất ít. Bác sĩ Mộng Ngọc nói: “Dù biết khả năng lây nhiễm cao, trên thế giới đã có nhiều trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm, thậm chí tử vong nhưng anh em vẫn không thoái thác nhiệm vụ. Đặc biệt, bác sĩ Lãm dù đã ra trực nhưng khi có ca dương tính mới, bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi thì anh ấy lo đồng nghiệp không kham nổi nên xung phong tiếp tục làm việc”. Các thầy thuốc ở đây đã dũng cảm đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và luôn sẵn sàng bước vào cuộc chiến với SARS-CoV-2.

Kỳ cuối: “Thành trì” tuyến cơ sở và chuyện từ các khu cách ly

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/252737/tren-tuyen-dau-chong-dich.html