Trend 'đúng nhận, sai cãi': Đùa lố hay mê tín dị đoan?
Chỉ vài ngày nhưng câu nói 'đúng nhận, sai cãi' trở thành trend thu hút hàng triệu lượt người xem, kèm theo đó là nhiều clip ăn theo trend với tình tiết hài hước. Vậy đây đơn giản chỉ là một trò đùa lố hay hành vi mê tín dị đoan cần lên án?
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video của một phụ nữ được cho là cô đồng vừa bổ cau, vừa bói, với câu nói "đúng nhận, sai cãi" trở thành trend thu hút hàng triệu lượt người xem. Chỉ trong vài ngày, trên TikTok xuất hiện nhiều clip từ bổ dưa, nho, bưởi, thanh long… ăn theo trend cô đồng với nhiều tình tiết hài hước, gây cười. Tuy nhiên, không ít người lo lắng hiện tượng này sẽ gây ảnh hưởng lớn, tuyên truyền mê tín dị đoan tới nhiều người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, thì đây là một hiện tượng mê tín dị đoan cần phải lên án. "Nó có những yếu tố để khẳng định, thứ nhất có người hành nghề và tự nhận hành nghề. Thứ hai có vật hành nghề, đó là quả cau. Thứ ba là có lời phán. Thứ tư kêu gọi khách, những người mê tín vào để đặt lịch... Như vậy là không những hành nghề mà còn tuyên truyền mê tín dị đoan".
"Có thể nói, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại từ rất lâu rồi. Như với cô đồng này thì thấy toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Dân gian cũng nói rồi, "thầy bói nói dựa", sau đó phán tùy theo từng người muốn gì và rất giỏi biến báo, cốt để đẩy người xem bói vào tình thế bị động để mình hành nghề", ông Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Trong đời sống xã hội hiện nay, yếu tố văn hóa tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng song vẫn phải đấu tranh chống lại các hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan. Cái khó ở đây là ranh giới giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan nhiều khi rất mong manh, khó phân định. “Tín ngưỡng là phạm trù rộng có thể có tín ngường từ cổ xưa, có tín ngưỡng của các tôn giáo thì chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng trong tín ngưỡng có một tập hợp nhỏ hơn, đó là những mê tín. Tín là tin, ngưỡng là ngẩng lên ngưỡng vọng, còn mê tín là tin vào những điều sai lầm. Dị đoan cũng vậy, anh tin vào điều khác lạ so với các tôn giáo, khoa học. Nhưng vấn đề trong quá trình mê tín dị đoan đó, trục lợi và thậm chí tìm cách lừa gạt thì cái đó mới là tiêu cực và cần bài trừ”. Ông Nguyễn Hùng Vĩ nêu quan điểm.
Những điều mà các "cô đồng", "bà cốt" đưa ra là hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở nào để tin theo, nhất là khi các đối tượng yêu cầu phải trả phí hoặc đóng góp vật chất thì đó chính là hành vi lợi dụng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan trục lợi. Ngoài các hình thức xử phạt nghiêm minh thì ngay chính bản thân mỗi người cũng cần nâng cao kiến thức về luật. Hiểu luật, thượng tôn pháp luật thì sẽ điều chỉnh hành vi và dần dần chúng ta mới có một xã hội văn minh, phát triển. Do vậy, trước hết, mỗi người dân cứ theo lời dạy của các cụ xưa “thầy bói nói dựa”, “đức năng thắng số, nhân định thắng thiên”... là tự khắc mê tín dị đoan sẽ không còn đất sống.
Câu chuyện về cô đồng này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo từ các clip “rác” trên mạng xã hội. Vì thế, hơn ai hết, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cũng cần chọn lọc, tiếp cận với những nội dung hấp dẫn, bổ ích. Đặc biệt mỗi người, nhất là giới trẻ cần trang bị tri thức, kỹ năng, vốn sống, sự hiểu biết để nhận diện, phân biệt được bản chất của sự việc, giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan... để tránh rơi vào “bẫy” của những trò lừa đảo, phạm pháp “núp bóng” tâm linh.
Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) là cô đồng làm "dậy sóng" mạng xã hội những ngày qua với câu nói quen thuộc "đúng nhận, sai cãi" khi xem bói bằng cách bổ cau.
Ngày 7/2, Công an thị xã Kinh Môn phát hiện tài khoản Facebook “Trương Hương” đăng video có nội dung cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Nội dung các video là những buổi xem bói của cô đồng tên Hương, dưới hình thức xem bằng lá trầu, quả cau. Video này sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Quá trình rà soát, cơ quan công an xác định đây là tài khoản Facebook cá nhân của Trương Thị Hương. Làm việc với cơ quan công an, cô đồng này thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình, đồng thời, cho biết, việc quay phát các video có nội dung xem bói như trên đều do một mình cô đồng làm. Công an thị xã Kinh Môn đã lập biên bản vụ việc, biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính đối với cô đồng Trương Thị Hương.
Ngày 9/2, Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trương Thị Hương về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Trương Thị Hương buộc gỡ bỏ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục do hành vi vi phạm của đương sự gây ra./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trend-dung-nhan-sai-cai-dua-lo-hay-me-tin-di-doan-post1001098.vov