'Trend' phẫu thuật tai Mickey cho chó mèo bị chỉ trích là tàn nhẫn
Phẫu thuật thẩm mỹ cho chó mèo để có đôi tai Mickey đang là xu hướng 'nóng', nhưng cũng bị chỉ trích là tàn nhẫn vì con vật bị hành hạ thậm chí đến 2 tháng trời.
Phẫu thuật thẩm mỹ cho thú cưng để có đôi tai giống chuột Mickey đang là xu hướng "nóng" ở Trung Quốc. Các chuyên gia bảo vệ động vật hàng đầu đang yêu cầu ngừng hoạt động này vì nỗi đau thể xác và tâm lý mà những con vật phải chịu đựng.
Quảng cáo dịch vụ tạo hình “tai Mickey” cho chó mèo của một phòng khám thú cưng ở quận Beibei, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc đang thu hút được sự chú ý của dư luận với chương trình ưu đãi đặc biệt trị giá 300 nhân dân tệ trong dịp năm mới.
Liu Yundong, một trưởng khoa tại Trung tâm y tế thú cưng quốc tế Loving Care ở Bắc Kinh, cho biết quy trình tạo tai Mickey gồm hai phần. Đầu tiên là phẫu thuật cắt bỏ tai (cần gây mê và mất khoảng nửa giờ), sau đó là tạo hình cho đôi tai luôn thẳng đứng (mất từ 20 đến 60 ngày). Giai đoạn 2 không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn phải điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo tai của thú cưng luôn ở tư thế thẳng đứng.
Mặc dù việc thực hiện thủ thuật này là hợp pháp nhưng các bệnh viện thú y có uy tín ở các thành phố lớn hiếm khi làm trên vật nuôi. Ông Liu cho biết: “Phẫu thuật này hiếm khi được thực hiện ở các bệnh viện thú cưng tại thành phố lớn nhưng lại phổ biến ở những cơ sở thú cưng nhỏ. Hiện tại, không có hạn chế pháp lý nào đối với phẫu thuật này ở Trung Quốc. Đó chỉ là vấn đề đạo đức.
Là bác sỹ thú y, chúng tôi tuân thủ nguyên tắc phúc lợi động vật và không ủng hộ những ca phẫu thuật này. Những đồng nghiệp tôi từng gặp đều ngầm phản đối những ca phẫu thuật như vậy".
Ông nhấn mạnh, tác động của phẫu thuật thẩm mỹ đối với thú cưng là sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Con vật đối mặt với những nguy cơ khi bị gây mê, nguy cơ chấn thương tâm lý cũng như các tác dụng phụ ảnh hưởng đến thể trạng.
Chen Yong, bác sỹ thú y của Bệnh viện thú cưng Lianhe Thâm Quyến, cảnh báo kiểu phẫu thuật này có thể dẫn đến hành vi tự làm tổn thương ở vật nuôi: “Việc gây tổn hại cấu trúc tự nhiên của tai có thể gây ra các vấn đề tâm lý ở một số vật nuôi. Một số vật nuôi nhạy cảm có thể gãi liên tục do quá đau”, bác sỹ Chen cho biết.
Xu hướng mới nổi này đang bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Những người yêu thú cưng gay gắt phản đối: “Cắt đuôi, cắt tai, những người nuôi thú cưng này bị bệnh à, tại sao lại hành hạ động vật như vậy?"; "Nếu họ thấy nó dễ thương thì nên thử tự cắt tai mình như vậy xem đau đớn nhường nào"; "Đây là hành vi ngược đãi động vật, không phải tình yêu"...