Trèo cột điện cao thế bắn chim, bé trai 11 tuổi bị giật bỏng nặng

Bé trai 11 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu sau khi bị điện cao thế giật, ngã từ độ cao 10m xuống đất.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trưa 10/5, bé T. (11 tuổi ở Cao Bằng) cùng các bạn leo cột điện cao thế bắn chim thì bị điện giật, ngã từ cột điện cao 10m xuống đất.

Trẻ bất tỉnh 15 phút. Tỉnh lại trẻ đau toàn thân, khó thở, chảy nhiều máu mũi, được người dân xung quanh đưa vào trạm y tế sơ cứu, rồi chuyển đến bệnh viện tỉnh.

Các bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển T. đến khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng lơ mơ, toàn thân nhiều vết xây xát, bỏng ở vùng bụng, vùng ngực, nách, cánh tay bên trái và vùng cổ, mặt.

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán shock bỏng điện, đa chấn thương, bỏng điện độ II, III, IV, diện tích khoảng 15% diện tích cơ thể. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa điều trị các tổn thương đa cơ quan do điện giật, ngã cao và chăm sóc đặc biệt vùng tổn thương hoại tử do bỏng điện.

Ngày 11/5, tình trạng bệnh nhi ổn định, T. được chuyển đến Đơn vị Bỏng – khoa Chỉnh hình để tiếp tục điều trị, xử lý các vết thương bỏng.

 Trẻ bị bỏng nặng sau do điện cao thế giật.

Trẻ bị bỏng nặng sau do điện cao thế giật.

ThS.BSCKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ được lập kế hoạch kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày.

Các y bác sĩ áp dụng các liệu pháp tư vấn tâm lý giúp bệnh nhi giảm đau, hướng dẫn cho gia đình tập phục hồi chức năng cho trẻ. Hiện tình trạng sức khỏe của trẻ tiến triển tốt.

"Chúng tôi sẽ mổ cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da vùng cánh tay, nách, ngực để đảm bảo phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho trẻ", bác sĩ Sáng nói.

Bỏng điện là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ vào mùa hè đặc biệt ở vùng nông thôn, để lại nhiều di chứng như rối loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, hoại tử xương, gân, cơ, da, di chứng não, gây mất hoặc giảm chức năng của cơ quan bị bỏng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ khuyến cáo, để đề phòng những sự cố đáng tiếc về tai nạn bỏng điện sinh hoạt và bỏng điện cao thế có thể xảy ra với con em mình trong kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng tránh:

- Đặt nắp an toàn cho trẻ em trên tất cả các ổ cắm điện, để dây điện xa tầm tay trẻ em.

- Tránh sử dụng các thiết bị điện trong phòng tắm hoặc bồn tắm.

- Luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, đảm bảo dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách.

- Tuyệt đối không cho trẻ leo trèo lên cột điện cao thế, không vui chơi tại các khu vực có điện lưới, trạm điện, đường điện cao thế, đặc biệt trong những ngày trời mưa ẩm.

- Không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.Không xây nhà, dựng cột ăng-ten dưới đường dây điện cao thế.

- Cần tuyên truyền về hậu quả nặng nề của bỏng điện cao thế và cách sử dụng điện an toàn, để người dân có ý thức cảnh giác, phòng tránh.

Nguyễn Ngoan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/treo-cot-dien-cao-the-ban-chim-be-trai-11-tuoi-bi-giat-bong-nang-ar872558.html