Tréo ngoe các luật
NĐ126 có vẻ xác định nhầm vị trí của ngân hàng (NH) nên 'trao nhầm' cho NH các quyền và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.
Sao NH làm thay người nộp thuế
Căn cứ Luật Quản lý Thuế số 38/2019-QH14 (Luật QLT38), NH có mối liên quan với cơ quan thuế với 2 vị trí chính: (i) NH là người nộp thuế chịu sự quản lý của cơ quan thuế, phải nộp thuế và tuân thủ mọi quy định về quản lý và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước theo quy định. NH cũng là người nộp thuế thay khi bảo lãnh nộp thuế cho người nộp thuế khác mà họ không nộp hay nộp chậm.
(ii) NH là đơn vị kinh doanh, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 (Luật TCTD); có vai trò phối hợp và hỗ trợ với ngành thuế với các nội dung cơ bản, gồm thực hiện nghiệp vụ của trung gian thanh toán để thanh toán và chuyển tiền nộp thuế khi người nộp thuế chọn NH là nơi nộp thuế; căn cứ vào đề nghị của ngành thuế để trích tiền nộp thuế từ tài khoản (TK) của người nộp thuế, phong tỏa TK của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; cung cấp thông tin về số hiệu TK theo mã số thuế của người nộp thuế khi họ mở TK tại NH.
NĐ126 quy định theo yêu cầu của người nộp thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN, NH lập hoặc hướng dẫn người nộp thuế lập chứng từ nộp tiền vào NSNN, trong đó xác định rõ thông tin về người nộp thuế, ngày nộp thuế, số tiền nộp theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP (NĐ 11/2020).
Trong khi đó, Luật QLT38 (Điều 27, Điều 56) quy định NH có nhiệm vụ chính là bố trí địa điểm, phương tiện, nhân viên thu tiền thuế… để thực hiện nghiệp vụ thanh toán và chuyển tiền nộp thuế khi người nộp thuế chọn NH là nơi nộp thuế. Còn việc lập chứng từ nộp tiền vào NSNN là quyền và nghĩa vụ của chính người nộp thuế (Điều 16, 17 Luật QLT 38 và Điều 4 NĐ 11/2020.
Trên thực tế, NH phục vụ thanh toán tiền nộp thuế theo lệnh của người người nộp thuế được thể hiện tại chứng từ theo ý chí của họ và theo quy định của Luật Thuế. Vì thế, NĐ126 bất hợp lý khi yêu cầu người nộp thuế này (NH) làm thay thẩm quyền của người nộp thuế khác (khách hàng) đã được luật định.
Việc hướng dẫn người nộp thuế đối với tất cả vấn đề về thuế là quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. NH là doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật TCTD, không phải là một cơ cấu tổ chức hành chính của bộ máy nhà nước hay là bộ phận thuộc sự quản lý trực tiếp của ngành Thuế, để có thể được giao làm thay nhiệm vụ cho cơ quan quản lý thuế luật đã định rõ.
Ngoài ra, nhân viên NH không thể hướng dẫn suôn sẻ việc lập chứng từ cho người nộp thuế, khi họ không phải là công chức ngành thuế không am tường các quy định về thủ tục, nghiệp vụ thuế.
Không phù hợp với Luật QLT38
Rà soát lại, kịp thời sửa đổi các nội dung bất hợp lý của NĐ126, bảo đảm áp dụng vào thực tế được khả thi, có hiệu quả trong việc tuân thủ đúng đắn và đầy đủ Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 30 NĐ126 quy định NH thực hiện chuyển đầy đủ số tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN vào TK của Kho bạc Nhà nước, trong ngày giao dịch. Trường hợp không thể hoàn tất thủ tục trong ngày giao dịch, NH thực hiện chuyển trước 10 giờ ngày giao dịch tiếp theo. Đối với số tiền chậm nộp, nộp không đầy đủ do lỗi của NH, NH phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền chậm nộp.
Quy định “chuyển trước 10 giờ ngày giao dịch tiếp theo” tạo ra áp lực không cần thiết, và quan trọng là không phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật QLT38: Trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi thu tiền thuế của người nộp thuế, cơ quan tổ chức nhận tiền thuế phải chuyển tiền vào NSNN.
NĐ126 không bảo đảm thực hiện Điều 5 Luật QLT38 về nguyên tắc “Bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế”, khi quy định NH khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (gọi là nhà cung cấp nước ngoài)…
Vì thực tế, NH chỉ làm dịch vụ với vai trò trung gian thanh toán, không đủ điều kiện để phân tích các giao dịch, hoạt động của các đối tượng nói trên, nên không xác định được khoản tiền nào phải chịu nghĩa vụ thuế.
Khi thực hiện quy định này rủi ro cao vì dễ có sai sót làm phát sinh kiện tụng về tiền thuế và việc NH khấu trừ tiền từ TK. NĐ126 cũng bất hợp lý khi tăng cường lấy thông tin từ từng NH, thay vì tăng kết nối thông tin từ NHNN, là cơ quan quản lý NH với vai trò NH của các NH.
Hiện nay, các NH đều phải báo cáo thường xuyên đến NHNN các thông tin về hoạt động, trong đó có báo cáo giao dịch lớn (tiền, vàng), báo cáo giao dịch đáng ngờ… theo hướng dẫn của NHNN, nhằm thực thi các nghị định và Luật Phòng chống rửa tiền. Các tài liệu này cơ bản gần chuẩn tài liệu cùng loại của tổ chức Basel và lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Cục Phòng chống rửa tiền - cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nhận phân tích, xử lý và cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Vì thế, thay vì cố mở rộng trách nhiệm của từng NH, ngành thuế cần tăng sự phối hợp với NHNN để chia sẻ thông tin, ngành thuế sẽ có được các thông tin trọng điểm hơn, nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí của ngành và NH.
Vấn đề nữa cần nêu ra, là quyền tự chủ kinh doanh của NH. Theo luật định, NH là doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật TCTD. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật TCTD và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động… áp dụng theo quy định của Luật TCTD.
Việc NH thực hiện nghiệp vụ thu thuế và các khoản nộp khác vào NSNN là dịch vụ thanh toán, phát sinh khi người nộp thuế chọn NH là nơi giao dịch nộp thuế và các khoản nộp NS, mà không chọn kho bạc hoặc tổ chức trung gian thanh toán khác để giao dịch.
Và theo Khoản 2, Điều 7 Luật TCTD, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/treo-ngoe-cac-luat-86372.html