Trèo ra khỏi vỏ kén của chính mình

Nhiệt độ nước biển xuống thấp. Giữa 12 giờ trưa, cánh tay trái của tôi tê cứng sau một giờ lướt sóng. Tôi lên bờ nghỉ chừng 15 phút sưởi ấm, và xuống biển cho phần lướt sóng thứ hai của ngày.

Bây giờ tôi 33 tuổi – ở cái tuổi mà tôi từng nghĩ mình sẽ mãi mãi là kẻ không biết bơi, luôn đau lưng nhức nhối và đau đốt sống cổ suốt ngày, luôn bi quan thấy cuộc đời sắp sụp đổ như trong một cuốn tiểu thuyết đầy bia rượu và những cuộc tình lười nhác. Giờ đây tôi đủ nghị lực với cái vỏ lạ lùng chưa quen biết.

Lướt sóng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Lần đầu tiên bước xuống biển với cái ván, vụng về tới mức phải ngã và bị san hô cào xước một vết rướm máu tôi mới có thể trèo lên ván. Những người đang chơi ngoài bãi biển ái ngại nhìn tôi – ánh nhìn đó dung chứa rất nhiều định kiến tôi đeo trên ngực mình: Người lớn rồi, chơi gì nữa. Phụ nữ chẳng còn dẻo dai gì, đua đòi quá. Mình không biết bơi, tại sao phải khổ sở thế này. Nhiều người bỏ cuộc trước các hoạt động mới mẻ thường vì sự bối rối từ ánh nhìn ái ngại, những định kiến mà chính họ không thể vượt qua để nhảy sang một vùng trời khác.

Nhưng vì lý do bí ẩn nào đó, tôi đủ can đảm mặt dày lờ đi, tiếp tục… ngã thêm một lần nữa, trước khi bơi ra xa một chút và bị sóng biển dập dúi dụi sặc nước suốt một buổi chiều.

Cơ thể tôi phản đối. Tôi bị sặc nước liên tục. Nỗi sợ dâng trào lên mỗi khi ngọn sóng dựng đứng như bức tường thành trước mặt .Những người bơi ngang qua mặt tôi ngoái lại nhìn ái ngại: “Cô ổn không?”, “Cô chắc là cô ổn chứ?”

Nhìn lại hai năm đó, tôi tự hào vì mình đủ nghị lực để trèo ra khỏi cái thân thể bệnh tật và đau yếu của mình. Một thân thể với cái lưng chỉ ngồi viết 30 phút là đau. Một đôi vai gù rục xuống vì nhìn máy tính suốt nhiều năm không nghỉ. Một tâm trí thường xuyên hoảng loạn, bất an mỗi khi sự việc chưa ổn và không như ý. Tôi tháo gỡ từng phần thân thể đó ra, ngồi xuống bãi biển, trấn an mình thật dịu dàng: Hãy cho bản thân một cơ hội, hãy yêu lấy cơ thể của chính mình. Tôi học cách cảm nhận nước biển trên thân thể mình, học cách lùi lại và nhìn cơn hoảng loạn mỗi khi sóng xô bờ ập tới, học cách bình tĩnh trong buổi chiều bị chấn thương đau buốt.

Và rồi thật diệu kỳ, trên những bãi biển đầy nắng và nước lạnh căm ở California, ở Mexico, tôi tập lướt sóng trong sự động viên vô hạn của những người già 70, 80 tuổi hào sảng rực rỡ, mỗi ngày đi ra biển đập tay cùng tôi, vỗ vai tôi, khen ngợi tôi, chia sẻ cho tôi chút mạnh mẽ họ nghĩ sẽ cần cho một con nhãi 30 tuổi bi hài kịch khủng hoảng cuộc đời. Họ đốc thúc tôi trèo lên ván ra khơi ngay cả những ngày sóng hơi lớn và gió to.

Dần dần, tôi quen bơi trong làn nước giá lạnh hai giờ mỗi buổi tập, mỗi ngày tập hai lần. Đêm xuống lạnh buốt, bàn tay cóng lại khi vào đến bờ. Ngắm những hạt nắng cuối cùng vương trên Thái Bình Dương, tôi bàng hoàng nhận ra lưng mình không đau nữa, vai mình bớt gù đi, và trái tim mình ngập đầy niềm sung sướng khi một ai đó đi ngang qua khen ngợi mình.

“Hai tháng trước khi bạn tới đây và xách cái ván đó xuống biển, tôi nghĩ cô ấy sẽ bị sóng quật cho tan tành. Tôi không thể tin là giờ cuối cùng bạn đã chơi được.” – Cậu bạn người New Zealand cười và vỗ vai tôi. Hắn nói đã lâu lắm rồi mới thấy một đứa bơi còn sai lại tập chơi lướt sóng.

Tôi nhận ra những gì mình tưởng là cố định với bản thân thực ra chỉ là sự lừa dối trá hình. Câu nói “tôi từng này tuổi rồi, còn chơi gì nữa” – chỉ là ngụy biện cho sự lười nhác và né tránh. Ý nghĩ “thôi môn này để tụi nhỏ chơi, chứ mình không thuộc giới đó” chỉ là ngụy biện để tránh ra không thèm khám phá điều xa lạ và khác biệt. Cảm giác rằng mình 30 tuổi, mình không thể làm gì nữa, mình chẳng nên “ham hố” chính là cái bẫy bấu thật chặt lấy bản thân ta, không cho nó quyền thay đổi để tốt đẹp hơn và rực rỡ hơn.

Ngoài những định kiến xã hội vốn đã rạch ròi như: “phụ nữ không nên chơi môn này”, “chơi môn kia vai đô lắm”, “chơi thứ kia là phụ nữ Tây mới chơi chứ mình ai chơi”, mỗi người còn phải vượt qua sự thiếu nhiệt tình thay đổi bản thân, thiếu sự thực tâm muốn bắt đầu một thói quen mới. Những rào cản đó rất kín đáo, bí mật, nhưng nó đủ sức giữ chân ta lại với bức chân dung ta tự họa lên mình từ thời nào trước đó – dựa trên những thói quen cũ và chấp nhận “thân phận” làm biếng không buồn có gì mới mẻ.

Ở tuổi 33, tôi bắt từng cơn sóng dựng lên như tường thành bốn tiếng mỗi ngày, ngã xuống giữa một vụng nước nông và cuốn tròn lăn theo cát. Tôi nhận ra cơ thể mình có nhiều tiềm năng hơn bất cứ tưởng tượng vớ vẩn nào tôi từng vẽ ra ở tuổi 20. Cơ thể đó hạnh phúc với vận động cường độ cao nhiều giờ, và sẵn sàng vượt qua giới hạn mà chính tôi từng nghĩ là cùng tận rồi.

Nếu bạn đang muốn nới rộng cái vỏ kén cơ thể mình, hãy cho cơ thể đủ thời gian tập luyện. Hãy dành thời gian chăm sóc nó. Hãy cho cơ thể ấy chạm vào thiên nhiên, tương tác với tự nhiên. Hãy lắng nghe cơ thể chuyển động, vui sướng, khó chịu, đau đớn, trở mình. Hãy cho nó một cơ hội thử từng cảm giác mới mẻ, những vận động thể chất phù hợp và tăng dần nhịp độ. Nó sẽ thoát khỏi cái áo ve sầu cứng nhắc và lỗi thời. Nó sẽ bung mình ra thành sinh vật chứa đầy niềm vui và sự trải nghiệm mới mẻ. Nó đủ mạnh mẽ để chứa tâm hồn ta – thay vì hạ gục tâm hồn ấy.

Đừng để bất cứ ai chụp lên bạn cãi mũ “từng tuổi này mà còn”, hay “tuổi này rồi ai làm vậy”, hay “mình lớn rồi sao được như hồi trẻ”. Đừng để chính bạn có được một lý do tuyệt vời để ngăn cản bản thân bạn khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Đừng để tâm trí đánh lừa mình bằng chiêu bài an phận – an phận với cơ thể đau yếu, an phận với trí tuệ hạn hẹp, an phận với vị trí xã hội được người ta gắn vào bạn. Chính bạn là người chọn lựa cho mình những giới hạn mới (hay mắc kẹt trong giới hạn cũ). Chính bạn cũng là người định vị cái vỏ kén cũ đã quá nhỏ, quá chật hẹp, và muốn lớn thêm nữa.

Điều tuyệt vời nhất đã xảy ra khi tôi kịp vứt bỏ vỏ kén của chính mình: Một cô phụ nữ tuổi 30, vai gù, đau lưng, mắt cận, ngồi ăn suốt ngày không chán, không nhấc mình đứng dậy lấy một lần, giả vờ buồn lãng mạn trước một thế giới méo mó chính tôi tưởng tượng ra.

Tôi đủ dũng cảm nhìn thấy chính mình – khỏe mạnh hơn cả tuổi 18 cũ kỹ dạo nào.

Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/treo-ra-khoi-vo-ken-cua-chinhminh-22860.html