Tri ân những hy sinh thầm lặng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân tri ân tất cả đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian qua

Chiều 18-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đề nghị xóa bỏ bệnh viện dã chiến

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đội ngũ cán bộ, y - bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so bình thường.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn tới gia đình của các thầy thuốc mặc dù phải chịu sự xa cách và luôn lo lắng cho sự an toàn của người thân của mình, nhưng đã luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ; là điểm tựa, là niềm tin để các thầy thuốc vượt qua những gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen cho các thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen cho các thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Ảnh: NHẬT BẮC

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được cử tham gia Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương - nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỉ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất xóa các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến; hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã; người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành; khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp...

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vắc-xin và ưu tiên cho họ cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện. Cùng với đó, thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khóa thay đổi cách phòng chống dịch.

Đồng tình, bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết vai trò y tế cơ sở, tuyến cơ sở rất rõ trong đợt dịch vừa qua. Việc đưa trạm y tế lưu động vào các khu vực dịch đậm đặc cũng mang lại hiệu quả rất cao, đây là kinh nghiệm lớn cần phải phổ biến để áp dụng cho tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có độ phủ vắc-xin chưa cao. Về vắc-xin, sau khi tiêm vắc-xin xong, sau 2 tuần các bệnh viện điều trị hầu như trống giường, cho thấy hiệu quả tốt của vắc-xin.

Phần thưởng lớn nhất là được nhân dân ghi nhận

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được. Phần thưởng lớn nhất là được nhân dân ghi nhận. "Cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại, rất mong chúng ta tiếp tục tinh thần này" - Phó Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y - bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân". Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian qua.

Theo đó, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24.000 người; ước khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi. Thủ tướng cũng cảm ơn người thân, gia đình của các y - bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y - bác sĩ, nhân viên y tế....

"Chúc các anh chị em y - bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết" - Thủ tướng kết luận.

Nhân dịp này, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành y tế, quân đội và công an trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng tặng bằng khen.

Không để mất đi cơ hội phát triển

Sáng 18-10, tại buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành KH-CN phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng chống dịch.

Điểm lại một số đóng góp nổi bật trong công tác phòng chống dịch vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng phân lập được virus SARS-CoV-2 làm cơ sở để nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm. Các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tối đa trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19; bào chế, thử nghiệm các loại thuốc điều trị, kháng thể đơn dòng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nhiều công cụ công nghệ đã được xây dựng và sử dụng hiệu quả như khai báo y tế điện tử, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, quản lý người cách ly, hệ thống tổng đài tự động gọi điện thăm hỏi sức khỏe người dân, mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tuyến… Riêng mạng lưới thầy thuốc đồng hành đã huy động 10.000 bác sĩ thực hiện 800.000 cuộc gọi để tư vấn, thăm khám trực tuyến cho hàng trăm ngàn bệnh nhân.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH-CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa. Các nghiên cứu đặt trong tổng thể chung của thế giới cũng như điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; đề ra những khuyến nghị lớn để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không làm mất những cơ hội phát triển.

Đ.Nam - Ng.Dung

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tri-an-nhung-hy-sinh-tham-lang-2021101822494683.htm