Tri ân thầy giáo Liên Xô/Nga, sẵn lòng hòa giải phi công Mỹ

Là một trong những phi công tiêm kích đầu tiên được đào tạo ở Liên Xô, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, luôn ghi nhớ trong lòng công lao đào tạo, rèn giũa chắp cánh bay cho những phi công Việt Nam của những người thầy Xô viết.

Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về những ngày học tập trên đất nước Liên Xô, vị tướng già lại bồi hồi xúc động. Ông nói, chính cái “tâm, tầm và tài” của các thầy cô giáo Nga là kinh nghiệm để ông đi nói chuyện hòa giải với các cựu phi công Mỹ sau này.

Kỳ I: Thầy giáo Liên Xô/Nga chắp cánh bay Việt

Trong phòng khách tại nhà riêng của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, một bức ảnh lớn chụp đoàn phi công quân sự đầu tiên gồm 6 thành viên học chuyển loại Su-27 năm 1995 và thầy, giáo người Nga Viktor Pugachev được treo ở vị trí trang trọng. Mỗi lần nhìn vào bức ảnh này, Trung tướng Nguyễn Đức Soát lại bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đầy ước mơ bay trên bầu trời của mình.

Duyên nghề

Bên ấm trà mạn một chiều cuối năm 2020, Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể cho chúng tôi nghe cơ duyên khiến ông-chàng trai quê ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) trở thành phi công. Ông kể: “Ngày 3-4-1965, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân đưa bài, ảnh phi công Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... Thắng lợi ấy như lời động viên hàng vạn học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Hòa trong dòng người đi khám sức khỏe vào bộ đội, tôi cũng có mặt và chắc mẩm kiểu gì cũng được nhận, bởi tôi có dáng người cao to, có sức khỏe tốt. Nhưng không hiểu sao, sau vài lần khám sức khỏe, các bác sĩ đều kết luận tôi không đủ điều kiện nhập ngũ. Khi đó, bạn bè gọi tôi là “to xác”, “chân đất sét”...”.

 Phi công Nguyễn Đức Soát (thứ ba, từ trái sang) trong đoàn phi công quân sự đầu tiên học chuyển loại Su-27 năm 1995 chụp ảnh cùng với thầy giáo người Nga Viktor Pugachev. Ảnh tư liệu.

Phi công Nguyễn Đức Soát (thứ ba, từ trái sang) trong đoàn phi công quân sự đầu tiên học chuyển loại Su-27 năm 1995 chụp ảnh cùng với thầy giáo người Nga Viktor Pugachev. Ảnh tư liệu.

Thế nhưng, may mắn đã gõ cửa, đánh thức ước mơ vào bộ đội của cậu học trò Nguyễn Đức Soát. Trước kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 khoảng một tuần, Đoàn giám định sức khỏe Bệnh viện Quân đội 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) về địa phương khám tuyển phi công. Lần này, họ chọn được hai học sinh, trong đó có chàng trai “to xác, chân đất sét”. Bác sĩ hẹn, sau khi thi tốt nghiệp xong, hai học sinh được chọn đến Bệnh viện Quân đội 108 để khám trực tiếp. Đến giờ, ông vẫn nhớ câu nói của vị bác sĩ khi đó: “Cháu có sức khỏe tốt nhất trong đợt khám lần này, tuy bị viêm họng nhẹ. Về nhà, cháu giữ sức khỏe rồi đi học lái máy bay”.

Trong thời điểm chờ giấy triệu tập đi học lái máy bay, Nguyễn Đức Soát nhận được giấy báo đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Tuy nhiên, ước mơ được đi học lái máy bay vẫn níu kéo anh chờ đợi thêm. Và may mắn lại đến thêm một lần nữa. “Ngày 4-7-1965, tôi lên đường nhập ngũ trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Chúng tôi tập kết ở một đơn vị gần Bệnh viện Bạch Mai. Và một ngày cuối tháng 7-1965, tôi cùng đồng đội đến Liên Xô, bắt đầu hành trình đi học lái máy bay để trở thành phi công chinh phục và làm chủ bầu trời”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại cơ duyên trở thành phi công của mình.

Khâm phục “tâm, tài và tầm” của các thầy, cô giáo Liên Xô

Thông thường, thời gian đào tạo cơ bản phi công ở Liên Xô là 5 năm. Nhưng vì chiến tranh, do yêu cầu của Việt Nam nên nước bạn rút ngắn chương trình đào tạo cho học viên của Việt Nam xuống còn hơn hai năm.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể lại, khi sang Liên Xô, đoàn học viên Việt Nam được tập trung học tiếng Nga cấp tốc trong thời gian 3 tháng (thông thường là một năm). Hằng ngày, học viên vừa học tiếng Nga, vừa học lý thuyết bay nên rất vất vả. Để khắc phục khó khăn trên, những câu từ nào chưa hiểu trên lớp, học viên về nhà lấy từ điển Nga-Việt tra nghĩa của từng từ, từng câu rồi học thuộc. Rất may, các thầy cô giáo ở Trường Không quân Serov-Krasnodar đã tận tình dạy tiếng Nga cho học viên Việt Nam, nhất là cách viết, cách đọc đúng trọng âm. Sự thân thiện, tấm lòng đôn hậu của giáo viên Liên Xô đã giúp học viên Việt Nam thoải mái tư tưởng, tâm lý nên nhanh chóng bắt nhịp sinh hoạt, học tập...

 Phi công Nguyễn Đức Soát năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Phi công Nguyễn Đức Soát năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đến nay, khi đã trải qua nhiều cương vị công tác, như: Trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là người trực tiếp lái máy bay MiG-21, Su-22, Su-27... nhưng Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn luôn khâm phục cái “tâm, tài và tầm” của các thầy, cô giáo Liên Xô. “Họ giỏi tổ chức huấn luyện, dạy lý thuyết và thực hành rất bài bản. Để giúp đỡ học viên Việt Nam, cả guồng máy nhà trường làm việc hết công suất. Trong quá trình học thực hành lái máy bay, các thầy giáo chia làm hai ban (ban bay sáng và bay chiều), luyện tập xoay vòng”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại.

Mặc dù thời gian đào tạo ngắn nhưng các thầy giáo Liên Xô dạy cho học viên Việt Nam những cách xử lý tình huống bất trắc trên không. Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể: “Lần thi tốt nghiệp, tôi được bắn 3 loại tên lửa (cảm giác, radar, cầu lửa). Khi đã tiêu diệt quả cầu lửa, tôi điều khiển máy bay sang trái để tiếp tục bắn mục tiêu khác, nhưng bay được khoảng 8km thì máy bay chết máy, liếc nhìn thấy kim đồng hồ vòng quay động cơ tụt về số 0. Trong quá trình học lý thuyết, thầy giáo dạy khi đồng hồ báo động cơ chết máy, phi công phải lấy ngón tay hất lẫy công tắc mở máy trên không, nhưng tôi hất mãi không được vì dây chằng rất chặt. Lúc đó, máy bay bay với tốc độ 500km/giờ, ở độ cao 2.000m. Theo nguyên tắc, ở độ cao này, nếu không xử lý kịp, phi công phải nhảy dù. Trước tình thế nguy hiểm, tôi dùng cả hai tay giật bật lẫy công tắc và thành công. Động cơ khởi động khi máy bay chỉ cách mặt đất khoảng 300m, phía dưới là hồ nước và bãi sa mạc rộng mênh mông. Nhờ đó, tôi và máy bay hạ cánh an toàn”.

Sau này, khi giữ chức Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn thường nói với anh em rằng: “Quân chủng Phòng không-Không quân là quân chủng kỹ thuật, được Đảng, Nhà nước, quân đội trang bị nhiều trang thiết bị, máy bay, vũ khí hiện đại. Công tác kỹ thuật giống như con trâu, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nếu bảo đảm, chăm lo không tốt thì “người nông dân kéo cày thay trâu”. Do đó, dù khó khăn đến đâu, các đồng chí cũng phải làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật. Đây là vấn đề sống còn, xương sống để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao”.

(còn nữa)

YÊN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/tri-an-thay-giao-lien-xo-nga-san-long-hoa-giai-phi-cong-my-648843