Tri ân thiết thực, lắng đọng nghĩa tình

Những năm qua, huyện Tân Trụ quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, đối tượng chính sách bằng cả trách nhiệm và nghĩa tình.

Anh hùng thời chiến, cống hiến thời bình

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế, huyện Tân Trụ có hơn 4.400 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, trong đó có 409 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có 10 mẹ còn sống, được huyện vận động các công ty, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời; 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gần 2.000 liệt sĩ, 1.350 người có công với cách mạng;...

Hiện nay, huyện có 1.107 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.

Huyện Tân Trụ tổ chức họp mặt gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Huyện Tân Trụ tổ chức họp mặt gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Trở về từ cuộc chiến, trong thời bình, người có công với cách mạng vẫn tiếp tục đi đầu trên các lĩnh vực, góp phần tích cực xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; là những công dân gương mẫu, những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, ra sức lao động, học tập, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Huỳnh Văn Hon (SN 1962, ngụ ấp 4, xã Lạc Tấn) là con của liệt sĩ. Từ truyền thống cách mạng của gia đình cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng địa phương. Là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 4, ông Hon có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình triển khai, thực hiện các phong trào tại địa phương, nhất là đưa ấp 4 trở thành điển hình trong học tập và làm theo gương Bác.

Góp sức cùng xã "về đích" nông thôn mới nâng cao năm 2023, ấp 4 thực hiện mô hình Ánh sáng phòng gian với kinh phí 100 triệu đồng, lắp đèn chiếu sáng dọc theo tuyến đường Trần Văn Hai; phát động cán bộ, đảng viên, người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng hoa tạo diện mạo nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Hiện tại, ấp còn 4 hộ nghèo, 100% hộ dân trong ấp có nước sạch sử dụng, an ninh nông thôn được duy trì ổn định. Với nhiều cống hiến trên các lĩnh vực, ông nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Quan trọng hơn, ông được người dân địa phương yêu mến, kính trọng và tin tưởng vì sự mẫu mực, nhiệt tình, hết lòng vì công tác xã hội.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Văn Chưởng (SN 1963) - thương binh hạng 1/4, ngụ ấp 5, xã Tân Bình. Nhìn căn nhà 2 tầng khang trang, ít ai biết rằng cơ ngơi này được xây dựng bởi một thương binh trở về từ chiến trường Campuchia.

Nhắc về một thời đạn bom, dường như ký ức chiến tranh khốc liệt từ mấy chục năm trước không hề phai mờ trong tâm trí người lính ấy. Năm 1983, khi mới 20 tuổi, ông Chưởng hăng hái tham gia đội hình quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Từ đây, ông Chưởng và đồng đội bắt đầu hành trình chiến đấu trên đất nước chùa tháp. Ròng rã hơn 3 năm trên chiến trường nước bạn, năm 1986, khi tham gia chiến đấu, ông bị thương nặng. Mất một chân, một tay và vết thương trên mặt đã làm hư một bên mắt cùng nhiều vết thương trên cơ thể là những dấu vết chiến tranh ông mang theo khi trở về đời thường.

Trầm ngâm nhớ lại thời gian khốn khó khi vừa xuất ngũ, không nghề nghiệp, sức khỏe yếu, ông Chưởng nói: "Mọi việc trong nhà đều một tay vợ tôi quán xuyến".

Khi dần bình phục, vượt qua nỗi đau thể xác do di chứng chiến tranh để lại, ông lại bước vào "cuộc chiến" mới không tiếng súng trên mặt trận kinh tế. Ban đầu, ông thuê đất trồng lác, dệt chiếu. Nhờ chăm chỉ làm việc cùng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho thương binh, vợ chồng ông nỗ lực vượt khó, thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Với những cống hiến của mình, ông Chưởng vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với thành tích là đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập và công tác.

Sáng mãi "ngọn lửa" tri ân

"Ngọn lửa" tri ân luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Trụ thắp sáng, thực hiện bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. Giai đoạn 2020-2024, huyện thực hiện công tác chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần cho đối tượng chính sách đúng, đủ, chính xác, đã trợ cấp cho gần 66.300 lượt đối tượng với tổng số tiền chi trả gần 113 tỉ đồng. Các chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ theo quy định.

Hàng năm, huyện Tân Trụ đều dành nguồn lực để kịp thời thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Trụ - Tô Văn Cư thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Ngà)

Hàng năm, huyện Tân Trụ đều dành nguồn lực để kịp thời thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Trụ - Tô Văn Cư thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Ngà)

Ngoài chi trả chế độ do Trung ương, tỉnh cấp kinh phí, huyện còn chi từ nguồn kinh phí Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết. Hàng năm, huyện thực hiện tốt chế độ về bảo hiểm y tế cho hơn 2.100 đối tượng chính sách.

Từ năm 2020 đến nay, huyện tổ chức điều dưỡng cho 1.926 lượt đối tượng với kinh phí gần 2,7 tỉ đồng; trợ cấp gần 6,2 tỉ đồng cho hơn 5.900 lượt gia đình đang thờ cúng liệt sĩ; trợ cấp quà nhân dịp lễ, tết cho gần 32.100 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng, số tiền gần 9 tỉ đồng.

Điểm nổi bật trong công tác Đền ơn đáp nghĩa của huyện là huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng.

Giai đoạn 2020-2024, toàn huyện vận động xây dựng mới và sửa chữa 53 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 2,7 tỉ đồng, qua đó tiếp thêm động lực để những gia đình chính sách, người có công với cách mạng vững tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước và “an cư, lạc nghiệp”; vận động hơn 2,3 tỉ đồng chăm lo cho đối tượng chính sách nghèo, có hoàn cảnh khó khăn gắn với cuộc vận động phụng dưỡng chu đáo đời sống các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ học tập; tạo điều kiện giúp gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, ổn định việc làm, nâng cao mức sống.

Huyện Tân Trụ có 9/10 xã, thị trấn đã xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ. Đây là những công trình rất có ý nghĩa, là nơi tri ân sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Việc quy tập, tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang thể hiện lòng biết ơn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền huyện trong giải quyết các chế độ, chính sách sau chiến tranh.

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung nhấn mạnh, xác định chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống cao hơn trung bình mức sống của người dân địa phương là nghĩa cử cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của địa phương. Dù nguồn lực của địa phương còn khó khăn nhưng huyện cố gắng thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng theo quy định/.

Thăm tặng quà các đối tượng chính sách, xã hội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho thương binh nặng tại xã Nhị Thành, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Châu Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tri-an-thiet-thuc-lang-dong-nghia-tinh-a181143.html