Tri ân vị tướng Công an từng làm quan triều Nguyễn
Một vị tướng từng làm quan triều Nguyễn, từ chối mọi đặc quyền, thông thạo 5 ngoại ngữ, từng khoác áo điệp viên giữa lòng châu Âu, rồi trở thành người khiến cả tiểu đoàn Fulro giữa rừng sâu phải buông súng trong đêm giao thừa...
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, thừa ủy quyền của Đảng ủy Công an Trung ương, đoàn công tác do Đại tá Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận làm trưởng đoàn, đã đến thắp hương tưởng nhớ và thăm hỏi, động viên gia đình Thiếu tướng Huỳnh Anh (Chín Huỳnh) – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Trưởng Ty Công an tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận).

Đại tá Trần Văn Mười thắp hương tưởng nhớ Thiếu tướng Chín Huỳnh. Ảnh: NHƯ Ý
Có những con người, dù không bao giờ kể về mình, cuộc đời họ vẫn khiến hậu thế phải lặng người khi nhắc đến. Một vị tướng từng làm quan triều Nguyễn, từ chối mọi đặc quyền, thông thạo 5 ngoại ngữ, từng khoác áo điệp viên giữa lòng châu Âu, rồi trở thành người khiến cả tiểu đoàn Fulro giữa rừng sâu phải buông súng trong đêm giao thừa...
Đó là Thiếu tướng Chín Huỳnh (1913-2006), vị tướng Công an với nhiều đóng góp to lớn nhưng thầm lặng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Từ thủ khoa Quốc Tử Giám đến quan triều Nguyễn
Đại tá Trần Sỹ Tá, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Do đặc điểm nghề nghiệp, Thiếu tướng rất ít khi nói về cuộc đời hoạt động của mình. Ông không tự đánh giá kết quả công việc của mình làm và nhất là những chiến công thầm lặng trong thời gian hoạt động tình báo.
Ông chỉ kể những câu chuyện có tính chất truyền thụ lại kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ”. Đại tá Trần Sỹ Tá cho biết thêm bản thân Thiếu tướng Chín Huỳnh không muốn viết hồi ký mặc dù Bộ Công an, Công an tỉnh nhiều lần gợi ý nhưng ông chỉ luôn mỉm cười từ chối.

Đoàn công tác Công an tỉnh Bình Thuận thăm gia đình Thiếu tướng Chín Huỳnh. Ảnh NHƯ Ý
Còn nhớ đúng 20 năm trước, tôi may mắn được trò chuyện với Thiếu tướng Chín Huỳnh trước ngày ông mất khoảng hơn một năm. Mấy tuần liền, mỗi ngày vài giờ đồng hồ hai bác cháu ngồi uống trà trao đổi. Do đeo bám “rát" quá, cứ thế, câu chuyện về một vị tướng công an từng làm quan triều Nguyễn với một “lý lịch dữ dội” dần hé mở...
Năm 1932, từ đứa trẻ chăn trâu, dựa cửa trường làng học lỏm lấy bằng "Primaire" nghe triều đình Huế mở khoa thi vào Quốc Tử Giám, ông Huỳnh Anh liền xin phép thầy lều chõng ứng thí. Ngày xướng tên tân thủ khoa, quan trường thi phải gọi đến 3 lần, ông Huỳnh Anh mới dám đáp vì ông không dám tin mình đỗ cao nhất giữa hàng trăm sĩ tử cả nước.
Hơn 3 năm kinh sử, 22 tuổi, Huỳnh Anh đã được triều Nguyễn bổ nhiệm làm quan thừa phái vào phủ Bình Thuận nhậm chức (viên chức làm việc trong các công sở của chính phủ Nam triều thời Pháp thuộc).
Năm 1942, ông từ quan, rũ áo lên rừng theo kháng chiến.

Chân dung Thiếu tướng Chín Huỳnh (1913-2006). Ảnh tư liệu.
Tháng 8-1945, cách mạng bùng nổ, ông Huỳnh Anh vào tuyến đầu với nhiệm vụ là cán bộ Công an tỉnh Quảng Nam. Sau đó ông được điều về phụ trách Công an tỉnh Quảng Ngãi, rồi Công an Liên khu V.
Vụ án gián điệp hai mang
Từ 1948 đến 1950, ông được cử giữ chức trưởng Ty Công an Quảng Ngãi và là một trong những cán bộ công an rất giỏi về nghiệp vụ điều tra vì có cách hỏi cung sắc sảo, thông minh.
Lúc đó, cơ quan tình báo Liên khu V đang giải quyết vụ án khi thông tin từ căn cứ liên tục bị lộ, rò rỉ và đều bị Phòng Nhì quân đội Pháp nắm hết.
Tuy nhiên sau thời gian nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp hỏi cung, ông Huỳnh Anh kết luận vụ án xảy ra là do sai lầm trong việc dùng gián điệp hai mang và do không tuân thủ các biện pháp hỏi cung nên đã bắt, quy kết oan những người vô tội. Toàn bộ những người bị bắt đều được trả tự do.

Ông Chín Huỳnh (bìa phải) trong một điệp vụ ở Lào. Ảnh tư liệu
Năm 1958, ông tập kết ra Bắc, do thông thạo năm thứ tiếng Trung, Pháp, Lào, Campuchia, Thái nên được điều về Hà Nội, công tác ở Vụ 6B ( tức K.49 - Tổng Cục Tình báo, Bộ Công an) được đề bạt giữ chức vụ phó.
Năm 1962, ông tham gia điệp vụ Thụy Sỹ và cùng một tình báo khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gửi Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cho 17 nguyên thủ quốc gia các nước đang dự họp tại Beograde. Điệp vụ trên được đánh giá là đã phục vụ tốt yêu cầu tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiếu tướng Chín Huỳnh trong điệp vụ ở Ý - Thụy Sỹ. Ảnh tư liệu
Sau đó, ông còn có mặt ở Lào, Campuchia, Thái Lan rồi xin vào Nam chiến đấu, giữ chức Ủy viên Ban An ninh Cục Miền Nam.
Đất nước thống nhất, ông được cử về nơi gần nửa thế kỷ trước mình từng làm quan để nhận chức Trưởng Ty Công an tỉnh Thuận Hải với cách thu phục nhân tâm độc đáo của mình.
“Đem trí nhân mà thay cường bạo”
Thuận Hải, những năm đầu sau 1975 là một vùng đất hết sức phức tạp; dưới biển nạn vượt biên ồ ạt; trên rừng nhiều tổ chức Fulro nhen nhóm thành lập “mặt trận giải phóng”.
“Súng về, người về, tư tưởng về” hay “Người đi gọi có công, kẻ trở về miễn tội” là những kế sách mà ông Chín Huỳnh đề ra để tiểu trừ Fulro. Ít đạn, kiệm lời nhưng hành động bằng cách “đem trí nhân mà thay cường bạo” của ông đã khiến ông trở thành một nhân vật huyền thoại mà những người chống đối phải kính phục.
Đàng Thị Trào, nữ tướng Fulro bị thương, ông cho người ra rừng đưa về chăm sóc y tế rồi nhận luôn làm con nuôi và lấy danh dự ra bảo lãnh cho làm cô giáo dạy trẻ.

Đại tá Trần Văn Mười tặng quà cho ông Huỳnh Vũ, nguyên Đại tá, Chánh Thanh tra Công an tỉnh Bình Thuận, con trai Thiếu tướng Chín Huỳnh.
28 Tết năm 1977, Trượng Thành Duyên, một sĩ quan Fulro bị thương đang lẩn trốn ở rừng Karon, Ninh Phước và dù đang bị thương nặng nhưng nhất định không chịu đầu thú. Sau rất nhiều lần thương thuyết, cuối cùng Duyên đề nghị: Cho anh ta trực tiếp gặp “ông già Chín” ngay tại sào huyệt của Fulro.
Tổ chức và rất nhiều người can ngăn vì vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên sau nhiều cuộc họp, ông Chín vẫn quyết định chạm trán vì khẳng định nếu gặp, thuyết phục được Duyên bỏ vũ khí sẽ có biết bao người không phải đổ máu nữa.
Đêm 30 Tết năm 1977, trời tối đen như mực, ông Chín Huỳnh cùng 5 cận vệ vào tận rừng Karon gặp Trượng Thanh Duyên. Trong ánh sáng yếu ớt của những thanh củi đốt giữa rừng, Thiếu tướng Chín Huỳnh nói nhiều về sự lầm lỡ của những người bỏ trốn lên rừng và sau hơn một giờ, đã bước sang năm mới.

Thiếu tướng Chín Huỳnh và vợ - bà Võ Thị Loan, tại nhà riêng năm 2005. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lúc này, Trượng Thanh Duyên đề nghị nếu anh ta trở về thì không bị bỏ tù, không trả thù, không bị truy bức. Ông Chín đứng thẳng người, lấy mạng sống của mình đảm bảo tất cả đều tự do, có quyền chọn ngày trở về, tất cả sẽ không ai bị áp giải.
Sáng mùng 1 Tết, Trượng Thanh Duyên cùng toàn bộ cốt cán Trung đoàn Potholgiara mang vũ khí về và vài ngày sau, Thiên Sạn - Tiểu đoàn trưởng Fulro Posahnư cùng nhiều người đều chấp nhận cùng mang vũ khí trở về giao nộp… Nhiều hàng binh sau này đã xem ông Chín là ân nhân, họ ngưỡng mộ vì ông đã lo cho nhiều người có việc làm, hòa nhập với cộng đồng mà không bị phân biệt đối xử.
Khép lại một đời thanh bạch
Vui chuyện, tôi hỏi ông “bao nhiêu năm nắm quyền lực trong tay, có bao giờ ông đã nhận quà trên mức tình cảm chưa?”
Vị tướng già không giận mà còn cười sảng khoái “Năm 1986, tôi về hưu lúc 73 tuổi với hai bàn tay trắng suốt đời có nhận của ai cái gì đâu. Chỉ có căn nhà cấp 4 này là được nhà nước hóa giá cho”…

Tài sản để lại trong căn nhà cũ của Thiếu tướng Chín Huỳnh.
Ngay khi nhận quyết định về hưu, ông đã viết một bản kiểm điểm gửi cho ông Huỳnh Lắm ở Đà Nẵng (nguyên trưởng Ty Công an Quảng Nam; nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao), là người đã giới thiệu ông vào Đảng, nhờ tiếp tục giám sát sự trong sạch của đảng viên Huỳnh Anh đến cuối đời…
Ngày 18-7-2006, Thiếu tướng Chín Huỳnh qua đời ở tuổi 93. Khi mất đi, ông chỉ để lại một căn nhà cấp 4, vài tập tài liệu cũ... nhưng trong lòng nhiều người, ông là một vị tướng huyền thoại.
Hậu thế luôn nhớ đến ông vì giữ cho mình hai bàn tay trong sạch, một nụ cười hiền từ và một trái tim nhân hậu, không khuất phục trước mọi cám dỗ…
Nguồn PLO: https://plo.vn/tri-an-vi-tuong-cong-an-tung-lam-quan-trieu-nguyen-post846286.html