Trị bệnh... 'chặt chém'!

Thông tin về tình trạng 'chặt chém' dịch vụ thu phí gửi xe khiến cho 'bữa tiệc' đời sống tinh thần đón chào năm mới 2024 của nhiều người dân và du khách tại trung tâm TP Hồ Chí Minh như gặp phải sạn.

Chuyện là, khi tập trung về các khu vực như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng... để xem biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa đón năm mới 2024, rất nhiều người dân và du khách đã bị một số bãi giữ xe “chặt chém”, thu giá gửi xe cao hơn nhiều lần giá niêm yết.

Cụ thể, theo quy định hiện hành của UBND TP Hồ Chí Minh, giá dịch vụ giữ xe máy là 6.000 đồng/xe/lượt (ban ngày) và 9.000 đồng/xe/lượt (ban đêm). Tuy nhiên, nhiều bãi giữ xe đã nâng mức giá lên 30.000 đồng, thậm chí có nơi thu của khách gửi xe với mức giá 50.000 đồng/xe/lượt. Sự việc này sau khi được phản ánh trên một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đã khiến dư luận bức xúc, bất bình.

 Tình trạng “chặt chém” dịch vụ thu phí gửi xe khiến cho “bữa tiệc” đời sống tinh thần đón chào năm mới 2024 của nhiều người dân và du khách tại trung tâm TP Hồ Chí Minh như gặp phải sạn. Ảnh minh họa: tphcm.chinhphu.vn

Tình trạng “chặt chém” dịch vụ thu phí gửi xe khiến cho “bữa tiệc” đời sống tinh thần đón chào năm mới 2024 của nhiều người dân và du khách tại trung tâm TP Hồ Chí Minh như gặp phải sạn. Ảnh minh họa: tphcm.chinhphu.vn

Việc này không mới và hầu như ở địa phương nào cũng từng xảy ra. Chả riêng chuyện giữ xe, hàng loạt dịch vụ, sản phẩm trong các không gian lễ hội, du lịch... đều có thể trở thành đối tượng bị “chặt chém”. Từ chuyện khách ăn một đĩa cơm “bụi” phải trả đến mấy trăm nghìn đồng, đi một cuốc taxi mất tiền triệu... đến việc du khách bị chèo kéo, dọa dẫm, ép phải trả các chi phí dịch vụ cao hơn nhiều lần giá niêm yết, đã trở thành những vết nhơ trong bức tranh đẹp của văn hóa du lịch mà chúng ta đã và đang dày công thực hiện.

Công bằng mà nói, tình trạng “chặt chém” hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây. Việc làm lành mạnh hóa môi trường du lịch đã được các ngành, các địa phương áp dụng nhiều giải pháp thực hiện, đáng chú ý là xử lý mạnh tay, kịp thời các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vì hám lợi, không ít tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các dịch vụ tự phát, vẫn cố tình vi phạm quy định. Trong môi trường số, những hành vi bất minh khi bị phát giác giống như vệt dầu loang, gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sự kiện, uy tín địa phương, và cao hơn, đó là hình ảnh của quốc gia, dân tộc trong mắt bạn bè quốc tế.

Mùa lễ hội đón mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã bắt đầu. Bà con Việt kiều trở về quê hương và bạn bè quốc tế tìm đến Việt Nam trong dịp Tết sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, thách thức ở nhiều lĩnh vực, phân khúc thì ngành du lịch vẫn tăng trưởng mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, năm 2023 đã đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 160.000 tỷ đồng. Năm 2024, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch phấn đấu đạt khoảng 190.000 tỷ đồng.

Muốn phát triển du lịch bền vững, phải xây dựng những yếu tố văn hóa bền vững trong môi trường du lịch, trọng tâm là hành vi ứng xử văn hóa của các tổ chức, cá nhân trong môi trường ấy. Chính vì vậy, phải chấm dứt ngay tình trạng “chặt chém” du khách. Cần coi đây là một thứ “bệnh”, và thuốc “đặc trị” là công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Những tổ chức, cá nhân cố tình “chặt chém” du khách, cần phải nghiêm trị theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt để đủ sức răn đe.

THANH KIM TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-benh-chat-chem-758890