'Trị' bệnh thiếu thuốc?
Những ngày qua, câu chuyện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang khiến nhiều bệnh nhân và các bệnh viện gặp không ít khó khăn. Người bệnh thì chỉ biết chờ và chưa biết khi nào sẽ có thuốc trở lại.
Người bệnh hoang mang vì thiếu thuốc
Tại Hà Nội, từ tháng 6/2022, bà Nguyễn Liên trú tại quận Ba Đình, Hà Nội sẽ phải tự mua thuốc Insullin, một loại thuốc tiêm cho bệnh nhân đái tháo đường, bởi nếu không tiêm thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. 15 năm, kể từ khi có bệnh, nhờ có bảo hiểm y tế, bà được nhận thuốc điều trị tại bệnh viện, nhưng nay thì khác.
“Bác sĩ bảo: “Cô ơi, tháng này bệnh viện hết thuốc tiêm, cô mua thuốc ngoài được không ạ?”. Các bác sĩ ghi đơn thuốc cho tôi để tôi đi mua bên ngoài. Thực ra, mua thuốc ngoài như thế này 1 năm chỉ mua 1 vài lần thôi, bình thường bệnh viện vẫn đủ thuốc. Nhưng đến hiện tại, chúng tôi chỉ là người dân, chúng tôi không hiểu vì sao bệnh viện lại không có thuốc”, bà Liên chia sẻ.
Còn đối với bà Đào Lan Hương trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, căn bệnh giãn tĩnh mạch chi “hành hạ” gần 10 năm nay. Uống thuốc gì cũng không thuyên giảm nên bà đã quyết định làm phẫu thuật. Tuy nhiên, đúng thời điểm này bà hẹn khám thì bác sĩ bảo phải chờ.
“Bác sĩ nói bệnh này phải chờ thiết bị, phải chờ 1-2 tuần nữa mới mổ được. Bác sĩ nói vậy thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi”, bà Hương chia sẻ.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM với Giám đốc và Trưởng khoa Dược của tất cả bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc, Giám đốc Sở Y tế TP HCM đã khẳng định có tình trạng thiếu thuốc trên địa bàn. Dù vậy theo Sở Y tế TP HCM, tất cả bệnh viện cho rằng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn.
Theo giải thích của một số địa phương, dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của bệnh viện. Khi dịch cơ bản được kiểm soát, lượng bệnh nhân đến khám tăng nhanh chóng dẫn đến thiếu hụt cục bộ một số thuốc và vật tư y tế.
Còn dư luận thì băn khoăn, liệu có phải những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, nên các đơn vị khám chữa bệnh có tâm lý lo lắng, sợ sai khi triển khai đấu thầu mua sắm theo quy định.
Dù lý do như thế nào thì cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời, có trách nhiệm để không làm chậm quá trình điều trị cho người bệnh.
Giải pháp nào cho “bài toán” thiếu thuốc?
Trước thực trạng trên, Thầy thuốc nhân dân, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 - ông Nguyễn Anh Trí lý giải với báo giới: “Nguyên nhân sâu xa là do trong hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, còn hổng. Tất nhiên còn một cái yếu tố đó là rất nhiều cán bộ đã bị vấp phải khi làm, đặc biệt trong quá trình chống dịch thì vấp phải, hiện bây giờ xảy ra nhiều chuyện. Bây giờ những người quản lý đang nhìn lại, họ thấy rằng đang bị thiếu và nếu cứ cố tình làm sẽ vi phạm. Cho nên nói không dám thì không đúng, họ đang chờ đợi, bổ sung, cập nhật chắc chắn hành lang pháp lý này để họ làm yên tâm hơn”.
Đưa ra giải pháp để cải thiện tình trạng này, theo ông Trí: “Giải pháp trước mắt là các cơ quan cấp Bộ, Chính phủ… phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở Nghị quyết 12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc Hội để tháo gỡ ngay, đảm bảo sự yên tâm của các cán bộ quản lý của ngành y tế, triển khai các việc, để có thuốc phục vụ cho người bệnh, có hóa chất sinh phẩm phục vụ xét nghiệm cho bệnh nhân”.
Về giải pháp lâu dài, ông Trí cho rằng phải rà soát lại hệ thống pháp luật kịp thời nâng cấp, bổ sung các quy định để làm cho những người quản lý yên tâm với hành lang pháp lý để họ làm. Làm cho những cán bộ quản lý nếu có lòng tham thì không thể "tư túi" được nữa, vì pháp luật quản lý chặt không cho phép họ làm điều đó.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tri-benh-thieu-thuoc-post452202.html