Trị bệnh vẩy nến bằng Đông y
Vảy nến là một bệnh ngoài da mạn tính gây khó chịu cho người bệnh. Trong Đông y, bệnh vảy nến được điều trị bằng thuốc uống trong là chính, thuốc xoa bên ngoài chỉ có tính hỗ trợ.
1.Biểu biện và nguyên nhân gây bệnh
Bệnh vảy nến, Y học cổ truyền gọi là bạch sang hoặc tùng bì. Biểu hiện trên da là các nốt ban đỏ hồng, có nhiều lớp vảy trắng trên bề mặt rất dễ bong. Tổn thương có thể lan ra toàn thân khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng… kèm theo sưng đau các khớp tay, chân.
Theo Đông y, bệnh vảy nến có nguyên nhân chủ yếu do huyết hư phong táo, huyết nhiệt phong táo và huyết ứ thấp trệ. Các yếu tố gây bệnh bên ngoài như "phong", "hỏa", "thấp nhiệt" nhân cơ hội sức đề kháng suy yếu, xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh.
Theo y học hiện đại, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền.
2. Bài thuốc uống chữa bệnh vảy nến
Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc phù hợp như sau
2.1 Thể huyết nhiệt phong táo:
- Dùng trong trường hợp: Phần da bị tổn thương mẩn đỏ, những nốt sẩn trên da xuất hiện liên tục, vùng da bị tổn thương lớn dần. Ngứa nhiều, gãi vào bong ra thứ "vẩy nến" mỏng, trắng hồng, trên da có những điểm xuất huyết; kèm theo các triệu chứng như bồn chồn, miệng khát, đại tiện phân khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt hoặc sác.
- Bài thuốc: Cỏ nhọ nồi 20g, sinh địa 20g, kim ngân 12g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, kinh giới 8g, cam thảo 4g;
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 900ml nước, còn 600ml; chia 3 phần, uống trong ngày, uống lúc đói bụng.
- Công dụng: Lương huyết, giải độc, trừ phong, nhuận táo, điều trị bệnh vảy nến.
2.2 Thể huyết hư phong táo
- Dùng trong trường hợp:: Phần da bị tổn thương sắc nhợt, lượng vẩy bong ra nhiều, kèm theo các triệu chứng khó ngủ, rối loạn nhịp tim, đau đầu, khô miệng, táo bón, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng. Dạng này thường thấy ở những người bị bệnh lâu ngày không khỏi.
- Bài thuốc: Sinh địa 20g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, hà thủ ô 12g, kim ngân 12g, vỏ đậu đen 8g, vừng đen 12g, cam thảo 4g;
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 900ml nước, còn 600ml; chia 3 phần, uống trong ngày, uống lúc đói bụng.
- Công dụng: Dưỡng huyết, trừ phong, nhuận táo, điều trị bệnh vảy nến.
2.3 Thể huyết ứ thấp trệ
- Dùng trong trường hợp: Những chỗ da bị tổn thương dày cộm lên, đỏ thẫm, bệnh dai dẳng, chất lưỡi đỏ tía hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc tế hoãn.
- Bài thuốc : Đương quy 12g, xuyên khung 6g, kê huyết đằng 12g, thổ phục linh 20g, ích mẫu thảo 12g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 8g, kinh giới 12g, bạch cương tàm 12g, cam thảo 4g;
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 800ml nước, còn 400ml; chia 2 phần, uống vào buổi sáng và chiều lúc đói bụng.
- Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, trừ phong, chống ngứa, điều trị bệnh vảy nến.
Các bài thuốc trên có thể sử dụng liên tục 7-10 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới. Mỗi đợt điều trị 3-4 liệu trình.
Người bệnh nên thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học cho sức khỏe trong suốt thời gian điều trị để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Nên bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, omega 3, kẽm, acid folic, beta caroten…
Vitamin C rất tốt trong trường hợp bệnh vảy nến do chúng có khả năng kháng khuẩn và làm lành vết thương. Chúng có nhiều trong các loại hoa quả tươi cam, bưởi, kiwi, ổi, táo,…
Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê; các thực phẩm nhiều tinh bột và đường; các món ăn cay nóng hay các món ăn có hàm lượng đạm cao.
Cần chăm sóc cho da cẩn thận, tránh để da bị khô, tránh gãi, chà xát tổn thương da làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Người bệnh nên tuân thủ thời gian và liệu trình thuốc Đông y theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Việc tự ý sử dụng hay bỏ dở thuốc giữa chừng sẽ không có kết quả chữa trị tốt.
Mời bạn xem thêm video
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tri-benh-vay-nen-bang-dong-y-169231114220610367.htm