Trì Quang tập trung phát triển kinh tế
Từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Thắng với hơn 70% hộ nghèo, nhưng nhờ hướng đi 'trúng và đúng' mà những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Trì Quang phát triển nhanh.
Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh
Với diện tích đất đồi rừng lớn, lâm nghiệp là tiềm năng rõ nhất của xã Trì Quang, nhưng nhiều năm trước còn bị bỏ ngỏ. Do đó, xã đã đánh giá lại và biến tiềm năng đó thành thế mạnh với những chính sách cụ thể.
Gia đình ông Trần Xuân Tới, ở thôn Trì Thượng 1 là một trong những hộ đầu tiên phát triển vườn rừng từ những năm 1990 với gần 5 ha cây mỡ, khi đó chính quyền vẫn chưa có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Ông Tới cho biết, đất đai ở đây phù hợp với cây mỡ, dù vốn đầu tư ít nhưng vẫn phát triển tốt và cho lợi nhuận cao. Việc khép kín chu kỳ sản xuất giúp khai thác luân phiên, trung bình mỗi đợt khai thác tỉa khoảng 100 cây gỗ lớn và giá trung bình khoảng 3 - 4 triệu đồng/cây, mang lại nguồn thu cao. Theo ông Hà Văn Quang, Trưởng thôn Trì Thượng 1 thì những năm đầu, việc trồng rừng khá khó khăn, nhất là trồng rừng trên đất trồng sắn hoặc đất trồng cây lương thực khác. Tuy nhiên đến nay, 100% hộ trong thôn có rừng, với gần 300 ha, trong đó cây chủ lực là mỡ và quế.
Với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, sau gần 20 năm, xã Trì Quang có hơn 1.800 ha rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn 70%, bình quân mỗi ha thu hơn 50 triệu đồng/năm. Trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cho người trồng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ khác tại địa phương. Vào vụ khai thác gỗ, trung bình mỗi lao động có thể có thu nhập khoảng 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lâm sản cũng khá lạc quan, hiện xã có hơn chục cơ sở chế biến gỗ ván bóc, đồ thủ công; thị trường tiêu thụ rộng nhờ giao thông thuận lợi. Năm 2018, giá trị kinh tế lâm nghiệp chiếm hơn 40% tổng thu nhập của xã và trong hơn 1.000 hộ thì có 80% trồng rừng.
Khi rừng được phủ xanh, nguồn nước tự nhiên dồi dào, các thung lũng, khe suối và chân ruộng thấp được cải tạo để nuôi thủy sản. Xã hiện có 45 ha mặt nước nuôi thủy sản, thu nhập đạt khoảng 80 - 200 triệu đồng/ha/năm. Doanh thu từ thủy sản chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hằng năm của địa phương.
Để việc nuôi thủy sản đạt hiệu quả và bền vững, xã đã vận động người dân chuyển đổi diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, đồng thời phối hợp với các cơ quan của huyện tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề về nuôi thủy sản; cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên đến tận thôn, hộ tuyên truyền cách phòng và trị bệnh cho cá.
Đưa mô hình mới vào sản xuất
Năm 2017, khi chăn nuôi lợn gặp khủng hoảng về giá và mới đây là dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi, xã Trì Quang đã vận động người dân chuyển đổi đối tượng chăn nuôi sang đại gia súc. Với sự hỗ trợ, tạo thuận lợi về vốn vay, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ để nuôi trâu, bò.
Đến tham quan mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình ông Lương Văn Khang, ở thôn Tân Thượng, chúng tôi ấn tượng với khu chuồng nuôi được xây dựng theo tiêu chí trang trại. Các ngăn chuồng được bố trí hợp lý, thoáng, mát, chất thải được xử lý qua hầm bioga và việc vệ sinh chuồng nuôi, phòng bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Bắt đầu nuôi từ năm 2018 với 12 con bò mẹ, đến nay đàn bò đã tăng lên 25 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn, ông Khang trồng 4 ha cỏ voi, mua ngô hạt bổ sung thức ăn tinh khi bò đến lứa sinh sản. Ông Khang cho biết, trước đây gia đình ông cũng nuôi bò nhưng chủ yếu bằng hình thức chăn thả, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang nuôi nhốt, bò sinh trưởng nhanh, sinh sản nhanh tốt.
Năm 2019, tổng đàn bò của xã Trì Quang tăng 0,8% so với năm trước và nhiều hộ vẫn tiếp tục đầu tư chuồng nuôi để phát triển đàn bò sinh sản. Xã đang xây dựng kế hoạch, chiến lược quảng bá nhằm khai thác lợi thế của sản phẩm bò nuôi tại địa phương.
Với những hộ có ít đất sản xuất và chủ yếu canh tác cây lương thực, sau nhiều năm đất bị thoái hóa, xã chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bạc màu. Xã phối hợp với Hợp tác xã trồng và chế biến tinh dầu sả thôn Làng Trung vận động người dân chuyển diện tích đất trồng sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng cây sả Java để lấy tinh dầu. Theo đó, hợp tác xã cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu mua nguyên liệu với các hộ tham gia mô hình. Hiện xã có gần 20 ha sả Java, trồng chủ yếu ở thôn Làng Trung và thôn Làng Đào 2. Với đặc điểm dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng 1 lần cho thu hoạch liên tục trong 5 - 6 năm và mỗi năm thu hoạch lá 5 - 6 lần (khoảng hơn 20 tấn lá tươi/ha) với giá bán lá tươi khoảng 2 - 4 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Anh Lê Văn Khiêm, Phó Giám đốc Hợp tác xã trồng và chế biến tinh dầu sả thôn Làng Trung cho biết: Hợp tác xã đã xây dựng được 1 xưởng chưng cất tinh dầu sả với công suất chế biến 8 tạ lá khô/nồi và trung bình nấu 20 nồi/tháng, cung cấp ra thị trường hơn 200 lít tinh dầu sả/tháng với giá bán 500 - 600 nghìn đồng/lít.
Sả là loại cây trồng có khả năng trồng xen canh, chống xói mòn đất, lại cho thu nhập cao. Trong thời gian tới, xã Trì Quang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lên khoảng 100 ha.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Trì Quang cho biết: Những năm qua, với việc khai thác tốt tiềm năng của địa phương về nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng và lao động, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã đưa ra nhiều chủ trương để phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, xã có hơn 70% số hộ thuộc diện nghèo, đến nay giảm còn 9,7% và thu nhập bình quân của người dân hiện ở mức 33,2 triệu đồng/người/năm. Các chỉ tiêu kinh tế của xã đứng trong tốp khá của huyện. Đây là kết quả quan trọng để xã “về đích” nông thôn mới vào năm 2020.