Tri thức hóa nông dân để xây dựng kinh tế xanh, bền vững
Chiều 30-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đối thoại với nông dân (ND) Việt Nam năm 2023 kết nối với 63 điểm cầu trong cả nước.
Trong 110 đại biểu có mặt trực tiếp tại Văn phòng CP, có 70 ND và hơn 4 ngàn đại diện HTX, ND, doanh nghiệp đại diện cho 10,2 triệu hội viên ND cả nước.
Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng yêu cầu đối thoại phải thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người ND, với tinh thần ND là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.
Tập trung những vấn đề “nóng
Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức hội nghị Thủ tướng đối thoại với ND, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo ND đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Với chủ đề “ND là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”, gần 2 ngàn câu hỏi của ND, HTX, doanh nghiệp gởi đến Thủ tướng. Các ý kiến ND đặt ra trực tiếp tại hội nghị cũng tập trung vào những vấn đề lớn, thời sự “nóng” của nông nghiệp, nông thôn, ND hiện nay.
Góp ý tại hội nghị, ND Y Pốt Niê (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện CP đã có chủ trương chuyển từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ ND thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi này, CP có những chính sách gì trong thời gian tới? Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là về vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?
Theo Thủ tướng CP Phạm Minh Chính, muốn chuyển đổi từ nông nghiệp đơn giá trị sang đa giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh và tuần hoàn, cần đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
Theo ND Nguyễn Văn Hữu (tỉnh Bắc Giang), CP đã có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nhiều ND tham gia làm du lịch, hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Đây cũng là chủ trương của CP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững trong thời gian tới đây. Thủ tướng, CP có chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích ND làm du lịch nông nghiệp để tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống, phát huy lợi thế địa phương?
ND Trần Thị Lanh (tỉnh Thái Bình) đặt vấn đề, tới đây, Thủ tướng CP sẽ ban hành đề án Hội ND Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Vậy CP sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển HTX trong đề án nói trên? Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang cần thiết hơn bao giờ hết, vừa qua Trung ương Hội ND Việt Nam đã cho ra mắt "App nông dân", song nhìn chung, việc tiếp cận của ND vẫn còn hạn chế. CP có chính sách gì hỗ trợ ND tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp nhanh hơn?
ND Đỗ Thị Mỹ Thơm (tỉnh Gia Lai) chỉ ra, điểm hạn chế lớn nhất của ND là thiếu thông tin về thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản. Thủ tướng, CP có giải pháp gì để giúp ND nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?
Ông Trần Mạnh Báo, một doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, sản xuất manh mún là nút thắt của sự phát triển của ngành Nông nghiệp, làm cản trở ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, trong tạo ra sản lượng hàng hóa đồng chất lượng. Từ vấn đề này xảy ra tình trạng ND tự tích tụ ruộng đất. CP có cơ chế, hướng dẫn để mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lớn đúng pháp luật?
Tăng trưởng xanh, bền vững
Tại hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp giải đáp cũng như đưa ra hướng dẫn cụ thể cho ND.
Trả lời câu hỏi của ND về vấn đề thời sự “nóng” tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn chứng, tỉnh Thái Bình đã hình thành được câu lạc bộ đại điền, đây là sáng kiến hay của địa phương. Bộ NN-PTNT cũng đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đất đai vì thực tế nhiều người có đất không muốn bán, có nông dân thì có nhu cầu cho thuê đất. Trong giai đoạn chờ ban hành Luật Đất đai, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu trình Thủ tướng về thị trường thuê sử dụng đất nông nghiệp. Về phát triển nông nghiệp xanh, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trong đó có việc cắt giảm phát thải trong nông nghiệp, tiến hành sản xuất xanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ, nông nghiệp, nông thôn, ND có vị trí, vai trò quan trọng như hiện nay. Hiện Việt Nam phải chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Chuyển đổi tư duy rất quan trọng với mục tiêu không hại môi trường nhưng đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất. Ngành nông nghiệp đang định hướng rất đúng và trúng, nhưng phải mạnh mẽ hơn. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam rất nhiều, rất tốt nhưng phải sử dụng nông nghệ cao, sử dụng đòn bẩy để nâng cao hơn nữa về giá trị.
Thủ tướng CP Phạm Minh Chính đánh giá, hội nghị đối thoại đã diễn ra sôi nổi, dân chủ tập trung tất cả những nhóm vấn đề quan trọng, thời sự nóng hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và những vấn đề trao đổi tại hội nghị đều từ thực tiễn. Trên cơ sở những vấn đề đặt ra tại hội nghị, đề nghị Văn phòng CP, các bộ, ngành liên quan ban hành những văn bản liên quan để ra được những công việc cụ thể để làm cho tốt. Tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu người ND thực sự là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng kinh tế xanh, bền vững. Xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ cũ; nâng cao nhận thức của ND về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, an toàn, tận dụng mọi thời cơ biến nguy thành cơ để không bỏ ai lại phía sau.