Tri Tôn chăm lo cho đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Ngoài những quyền lợi chung của đoàn viên khi gia nhập vào tổ chức công đoàn, đối với công đoàn viên là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) còn quan tâm chăm lo để họ được thụ hưởng về vật chất, tinh thần trong các dịp lễ, Tết đặc thù của đồng bào.
Toàn huyện Tri Tôn hiện có tổng số gần 800 đoàn viên là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (chiếm 18%/tổng số đoàn viên) và số cán bộ công đoàn đồng bào dân tộc thiểu số Khmer là 90 người. Trong 2 năm (2022 – 2023), Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn đã tổ chức họp mặt, thăm 64 đoàn viên công đoàn là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chhnăm Thmây, mỗi phần trị giá 500.000 đồng.
Dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn còn đến thăm hỏi, trao quà cho 105 đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó, phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang trao 2 sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19 (mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng).
Đầu năm học mới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn đã trao tặng học bổng Tôn Đức Thắng lần thứ 27, trong đó dành 4 suất cho con đoàn viên là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tổng trị giá 5 triệu đồng. Ngoài ra còn trao 50 suất quà tiếp bước đến trường, tổng trị giá 32 triệu đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn Nguyễn Thành Tâm cho hay, để góp phần ổn định đời sống, giúp đoàn viên vượt khó, an tâm làm việc, Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp Tổ chức Tài chính vi mô CEP – chi nhánh Long Xuyên hỗ trợ vay vốn cho 57 đoàn viên dân tộc thiểu số Khmer làm kinh tế phụ. Đặc biệt, hỗ trợ 3 à Mái ấm công đoàn (1 căn cất mới, 2 căn sửa chữa), với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Chị Neáng Kim An là trường hợp được cất mới căn nhà vào tháng 5/2023, kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng.
Công tác tại Trường Tiểu học “A” Lương Phi, chị Kim An được Ban Giám hiệu tạo điều kiện để dạy trong điểm phụ, được gần nhà. Đồng thời, nơi đây cũng là ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, giúp chị thuận tiện giáo dục học sinh. “14 năm gắn bó với nghề, tôi được công đoàn quan tâm hỗ trợ rất nhiều.
Mỗi năm vào dịp Tết Chol Chhnam Thmay và lễ Sene Dolta, chúng tôi đều được nhận quà chúc mừng. Không chỉ riêng tôi, bất kỳ trường hợp đoàn viên nào gặp khó khăn, đều có công đoàn làm điểm tựa. Năm ngoái, trường tôi có 1 cố giáo bị bệnh hiểm nghèo, Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn và Công đoàn cơ sở trường đến ân cần thăm hỏi, hỗ trợ tiền để chữa trị. Mấy năm trước, mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo, tổ chức công đoàn giúp tôi một phần kinh phí để chăm sóc mẹ và an tâm công tác” – chị Kim An chia sẻ.
Trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhiều lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập… Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn đã tích cực rà soát các trường hợp bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng để gửi hồ sơ về Liên đoàn Lao động tỉnh xét hỗ trợ. Qua đó, có 54 hồ sơ được duyệt hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bên cạnh sự san sẻ, động viên kịp thời trong lúc khó khăn, tổ chức công đoàn ở huyện miền núi còn chú trọng các hoạt động văn hóa, thể thao hàng năm, thu hút hàng trăm lượt cán bộ, đoàn viên, người lao động đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tham gia.
“Thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện sẽ nghiên cứu những giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động huyện và các công đoàn cơ sở đang tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, công nhân lao động, hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn để phát triển đoàn viên là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer” – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn Nguyễn Thành Tâm cho biết.
Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn đang tăng cường hướng dẫn công đoàn cơ sở, bám sát cuộc sống của đoàn viên, người lao động. Song song đó, tổ chức các phong trào thi đua trong hệ thông công đoàn ở các doanh nghiệp có nhiều công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Yêu cầu đặt ra cho các hoạt động là tính thiết thực, hiệu quả; nội dung, hình thức thi đua phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở.
Ngoài ra, công đoàn sẽ quan tâm hơn nữa đối với đoàn viên, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tạo điều kiện cho họ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước để nâng cao ý thức chính trị, trình độ hiểu biết, tuân thủ pháp luật, tác phong công nghiệp đối với đoàn viên, công nhân lao động là đồng bào dân tộc Khmer.