Tri Tôn tập trung hoàn thành nhiệm vụ năm 2023
Được xác định là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Tri Tôn (tỉnh An Giang) quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, việc triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) sẽ tạo động lực phát triển mới cho huyện miền núi, biên giới, dân tộc, tôn giáo này.
Khai thác thế mạnh
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, tổng diện tích xuống giống 2 vụ đông xuân và hè thu được 87.267,2ha, đạt 100,26% kế hoạch (lúa chiếm 97,36%). Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất; duy trì các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là dự án VnSAT, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.
Huyện Tri Tôn hiện có 48 tổ hợp tác, với 599 thành viên; có 23 trang trại (2 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi); có 24 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, tổng vốn điều lệ gần 17,55 tỷ đồng, với 541 thành viên tham gia. Cùng với Thoại Sơn, Tri Tôn là huyện thứ 2 trên địa bàn tỉnh thành lập được Liên hiệp HTX, tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM), các ngành huyện còn tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, nhằm xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với du lịch (DL). Qua bình xét đợt I/2023, huyện chọn được 5 sản phẩm đề xuất tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.
Trong đó, Công ty Cổ phần Palmania đóng góp thêm 3 sản phẩm là mật thốt nốt sệt, mật thốt nốt bột và mật thốt nốt hạt (công ty đã có sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh); sản phẩm rượu gạo của Cơ sở sản xuất rượu gạo Công Chuẩn; sản phẩm nhãn Ido của Tổ hợp tác sản xuất nhãn Ido xã Tân Tuyến.
Thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Tri Tôn đang phục hồi tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn huyện trong 6 tháng ước đạt 3.526,3 tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ 2022 và đạt 59,58% so kế hoạch năm 2023. Huyện cũng đón 591.850 lượt khách đến tham quan, DL, tăng 47.010 lượt khách (8,6%) so cùng kỳ 2022.
Tạo động lực phát triển
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho rằng, nỗ lực của huyện Tri Tôn có đóng góp quan trọng vào sự khởi sắc về kinh tế - xã hội của tỉnh. Với việc triển khai nhiều dự án giao thông lớn, điểm nghẽn hạ tầng từng bước được tháo gỡ, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tỉnh An Giang cũng như huyện Tri Tôn phát triển. Do vậy, huyện cần tập trung thực hiện tốt 3 chương trình MTQG, xem đây là cơ hội để Tri Tôn vươn lên thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo cả nước.
Trên thực tế, huyện Tri Tôn đang nỗ lực giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của 3 chương trình MTQG. Mới đây, HĐND huyện đã thông qua 6 nghị quyết điều chỉnh, bổ sung vốn và danh mục chi tiết công trình sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Tri Tôn, giai đoạn I (2021 - 2025) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Tri Tôn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng mới.
Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đang tập trung triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 1.958 hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 (cất mới 1.787 căn, sửa chữa 171 căn); riêng năm 2023 hỗ trợ 493 hộ (19 căn sửa chữa, còn lại là xây mới).
Đến nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch đã hoàn tất chuyển kinh phí hỗ trợ cho 15 xã, thị trấn (ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà). Tính chung giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tri Tôn gần 284,52 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 thực hiện hơn 102,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, nguồn vốn gần 95,22 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Tri Tôn giai đoạn I (2021 - 2025) cũng được xem là động lực hỗ trợ thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer - vốn chiếm tỷ lệ lớn về hộ nghèo của huyện. Tri Tôn đang tập trung thực hiện nguồn vốn phân bổ năm 2023, với hơn 29,11 tỷ đồng, thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong khi đó, với Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tri Tôn được phân bổ hơn 55,26 tỷ đồng. Địa phương đang triển khai các công trình được phân bổ vốn năm 2023 (hơn 10,32 tỷ đồng), tạo động lực cho các vùng nông thôn phát triển.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, cùng với tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ nay đến cuối năm 2023, huyện sẽ tạo thêm một số sản phẩm “điểm nhấn” để thu hút DL, đặc biệt là dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đăng cai tổ chức Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 28 năm 2023…