Trí tuệ cảm xúc: Lằn ranh giữa nhà báo và AI

Trong bối cảnh AI ngày càng hiện diện nhiều hơn trong hoạt động báo chí, giới chuyên gia tranh luận về vai trò không thể thay thế của trí tuệ cảm xúc (EQ) nơi nhà báo. Dù AI mạnh mẽ về dữ liệu, EQ giúp nhà báo thấu cảm, kể chuyện chân thực. Câu hỏi đặt ra: Liệu đề cao EQ có đảm bảo tính khách quan tuyệt đối trong tác nghiệp?

'Khách quan' là một phương pháp làm việc

Hãy hình dung một phóng viên đứng giữa đống đổ nát sau một trận động đất kinh hoàng. AI có thể nhanh chóng thống kê số người bị thương, thiệt hại vật chất, thậm chí vẽ bản đồ khu vực ảnh hưởng. Nhưng liệu cỗ máy vô tri ấy có thể ghi lại ánh mắt thất thần của người mẹ ôm chặt đứa con thơ, lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của người đàn ông vừa mất đi cả gia đình, hay cảm nhận được cái lạnh thấu xương và mùi khói khét lẹt bao trùm không gian tang thương?

Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ 2023.

Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ 2023.

Chính khoảnh khắc ấy, nơi cảm xúc con người lên tiếng mạnh mẽ nhất, đặt ra câu hỏi về vai trò không thể thay thế của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong báo chí, đặc biệt khi AI đang dần len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp tin tức. Liệu EQ có phải là 'vùng cấm' bất khả xâm phạm của AI, và liệu sự nhấn mạnh vào yếu tố nhân văn này có đồng nghĩa với việc nhà báo luôn giữ vững được sứ mệnh khách quan của ngòi bút?

Bàn luận về vấn đề này, GS. Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh nhấn mạnh, cần phải làm rõ rằng, tính 'khách quan' trong báo chí không phải là sự loại bỏ hoàn toàn cảm xúc cá nhân, mà là một 'phương pháp làm việc'.

Nó bao gồm một tập hợp các nguyên tắc và kỹ năng mà nhà báo cần tuân thủ để đảm bảo thông tin được trình bày một cách trung thực, chính xác và công bằng nhất có thể. Phương pháp này đòi hỏi nhà báo phải nỗ lực hết mình để thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, kiểm chứng thông tin một cách cẩn trọng, phân biệt rõ ràng giữa sự kiện và ý kiến cá nhân, và trình bày các bên liên quan một cách công bằng.

"Trí tuệ cảm xúc, khi được vận dụng một cách chuyên nghiệp, không hề mâu thuẫn với tính khách quan mà ngược lại, có thể củng cố nó", GS An nhận định.

GS. Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh.

GS. Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh.

Theo ông, EQ giúp nhà báo xây dựng mối quan hệ tốt hơn với nguồn tin, khai thác thông tin sâu sắc hơn, và hiểu được những khía cạnh tinh tế của câu chuyện mà một cỗ máy AI không thể nắm bắt. Tuy nhiên, nhà báo cần có ý thức rõ ràng về ranh giới, nhận biết được những cảm xúc cá nhân có thể gây ảnh hưởng đến sự khách quan và chủ động kiểm soát chúng.

"Tính khách quan là một phương pháp làm việc đòi hỏi sự nỗ lực và ý thức cao của nhà báo trong việc kiểm soát cảm xúc cá nhân", ông An nói. EQ, khi được sử dụng một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm, sẽ là một công cụ mạnh mẽ giúp nhà báo kể những câu chuyện chân thật và sâu sắc hơn, đồng thời vẫn đảm bảo được sự trung thực và công bằng của thông tin.

"Vấn đề cốt lõi nằm ở việc nhà báo có đủ bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp để cân bằng giữa trái tim và lý trí, giữa cảm xúc và sự thật hay không", GS An cho hay.

Khách quan nhưng không vô cảm

Trong bối cảnh thông tin đa chiều và đôi khi mâu thuẫn, vai trò và thẩm quyền của báo chí đang đứng trước những thách thức không nhỏ. TS. Phan Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã dẫn lại quan điểm từ cuốn sách cơ sở lý luận báo chí truyền thông của GS. Đinh Văn Hường để làm rõ một vấn đề cốt lõi: 'tính khách quan trong báo chí không đồng nghĩa với sự vô cảm'.

Theo TS. Kiền, tính khách quan thực chất là một nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp. Nhà báo không thể hiện cảm xúc chủ quan trong bản tin, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không được phép có cảm xúc khi tiếp xúc với những đối tượng và sự kiện mà họ phản ánh.

Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải thể hiện những cảm xúc đó một cách rõ ràng, có trách nhiệm và không để chúng chi phối sự thật của thông tin. Cốt lõi của bản tin phải dựa trên dữ liệu và sự thật".

"Phương pháp hệ thống lý luận báo chí và truyền thông tuân theo nguyên tắc hoạt động, trong đó tính khách quan là một yếu tố cần được đảm bảo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người làm báo phải thờ ơ, vô cảm khi đưa tin về những vấn đề quan trọng của xã hội. Việc thiếu đi sự đồng cảm sẽ khiến thông tin trở nên khô khan và khó kết nối với độc giả", TS Phan Kiền cho hay.

Sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh phân tích của AI và trí tuệ cảm xúc của nhà báo sẽ định hình tương lai của một nền báo chí vừa hiệu quả, vừa nhân văn.

Sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh phân tích của AI và trí tuệ cảm xúc của nhà báo sẽ định hình tương lai của một nền báo chí vừa hiệu quả, vừa nhân văn.

Mở rộng vấn đề, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, chỉ ra một khía cạnh khác, đó là sự đa dạng và đôi khi mâu thuẫn của chính khái niệm 'sự thật'. Ông phân tích: "Công tác báo chí và truyền thông thường liên quan đến việc phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của sự thật, và đôi khi những sự thật này có thể mâu thuẫn hoặc gây ra những tranh luận. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò và thẩm quyền của nội dung báo chí trong thời đại ngày nay, đặc biệt khi nó liên quan đến sứ mệnh của báo chí".

Đáng lo ngại hơn, ông Đồng chỉ ra sự suy giảm niềm tin của công chúng vào báo chí. Trong bối cảnh thông tin ngày càng phức tạp, ông Đồng nhấn mạnh rằng khái niệm 'sự thật' trong báo chí không còn đơn giản như trước. Ranh giới giữa sự thật và thông tin sai lệch trở nên mong manh, khi mà những phát ngôn, dù gây tranh cãi, vẫn có thể được một bộ phận công chúng xem là 'sự thật'. Do đó, vai trò của báo chí càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm và truyền tải sự thật một cách khách quan, đồng thời phản ánh đa dạng các góc nhìn.

"Với tư cách là báo chí, chức năng của chúng ta là tìm kiếm và truyền tải sự thật, nhưng điều này không loại trừ việc phản ánh những quan điểm và cách hiểu khác nhau về sự thật đó", ông Đồng lưu ý.

Có thể thấy rằng, dù công nghệ có tiến bộ đến đâu, khả năng đồng cảm, thấu hiểu và truyền tải những giá trị tinh thần vẫn là 'lãnh địa' riêng biệt của người làm báo. EQ giúp nhà báo kết nối với khán giả ở mức độ con người, thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, và truyền tải thông tin một cách có trách nhiệm, từ đó xây dựng và củng cố lòng tin. Khi công chúng cảm thấy nhà báo không chỉ đưa tin mà còn hiểu và quan tâm đến những vấn đề của họ, niềm tin sẽ được vun đắp.

Với sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh phân tích của AI và trí tuệ cảm xúc của nhà báo sẽ định hình tương lai của một nền báo chí vừa hiệu quả, vừa nhân văn.

Hoàng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tri-tue-cam-xuc-lan-ranh-giua-nha-bao-va-ai-10286802.html