Trí tuệ nhân tạo chiếm việc làm của nhà báo
Trí tuệ nhân tạo (AI) âm thầm xuất hiện từ năm 2014. Nhưng chỉ sau khi ChatGPT ra đời, tác động của AI trong giới truyền thông mới được chú ý.
AI xâm nhập vào báo chí thế nào?
Năm 2014, Thời báo Los Angeles đã đăng bản tin về một trận động đất chỉ 3 phút sau khi sự việc xảy ra. Bài viết được thực hiện bằng phần mềm mang tên Quakebot do một nhân viên của tờ báo này phát triển. Quakebot có thể sản xuất các tin bài tự động dựa trên dữ liệu do Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cung cấp.
Bên cạnh đó, hãng Thomson Reuters đã sử dụng một chương trình nội bộ - Lynx Insight kể từ năm 2018 để kiểm tra thông tin như dữ liệu thị trường, từ đó tạo xu hướng cho các phóng viên viết bài.
Ngày nay, AI viết hàng trăm nghìn bài báo và đang được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống mỗi tuần.
Trước đây, hầu hết các công cụ tạo ngôn ngữ tự nhiên (NLG) dùng để sản xuất các bài báo là do các công ty phần mềm như Narrative Science cung cấp. Nhưng giờ đây, nhiều tổ chức truyền thông đã tự phát triển các phiên bản nội bộ. BBC có Juicer, Washington Post có Heliograf và gần 1/3 nội dung do Bloomberg xuất bản được tạo ra bởi một hệ thống có tên Cyborg.
Nhưng công nghệ chỉ có thể tạo ra các bài báo dựa trên dữ liệu có sẵn, chưa thể viết bài với sự tinh tế, trí tưởng tượng hay phân tích sâu sắc. Bởi thế, khả năng làm lu mờ vai trò của nhà báo là chưa thể mà chỉ là công cụ giúp các tờ báo gia tăng mạnh số lượng tin, bài.
Dù vậy, thời gian gần đây, sự xuất hiện của các chương trình AI tổng quát như ChatGPT, với khả năng làm thơ, viết bình luận một lần nữa khiến nhiều người lại phải đặt câu hỏi: Liệu các nhà báo có thất nghiệp vì AI hay không?
Ngay khi công nghệ AI như ChatGPT ra đời, nhiều tờ báo, trang tin đã lập tức ứng dụng. Tháng 2 vừa qua, trang tin BuzzFeed thông báo sẽ bắt đầu làm việc với OpenAI, công ty đã tạo ra ChatGPT để tự động xây dựng bài viết mục câu đố.
Hồi tháng 2 năm nay, hãng tin Reach - chủ sở hữu của Daily Mirror và Express cũng xuất bản những bài báo đầu tiên viết bằng trí tuệ nhân tạo. Ông Jim Mullen, Giám đốc điều hành của Reach cho biết, công ty này đã lập một nhóm làm việc để nghiên cứu khả năng sử dụng AI và để một phần mềm AI sản xuất 3 bài báo.
Các bài báo được đăng trên trang tin tức địa phương InYourArea.co.uk, một trong số đó là “Bảy việc cần làm ở Newport”.
Song, đến thời điểm này, ông Jim Mullen vẫn đánh giá, nếu xét về sản xuất tin bài, những công nghệ tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo chỉ có thể sản xuất nội dung dựa trên dữ liệu có sẵn theo dạng “những việc cần làm”, thời tiết và “giao thông địa phương như thế nào?”.
Coi AI là công cụ tối ưu doanh thu
Nhưng không dừng ở đó, tại các tòa soạn có tư duy tiên tiến, nhiều nơi đã thực sự nghiên cứu tìm cách tận dụng sức mạnh của AI để thúc đẩy tự động hóa, tăng cường chuyển đổi và tương tác cũng như tối ưu hóa doanh thu.
Đầu tiên là gia tăng sự tương tác và xu hướng con người làm việc với AI. Trí tuệ nhân tạo có thể phân tích hành vi và sở thích của người dùng để cung cấp nội dung và trải nghiệm được cá nhân hóa cho từng người đọc.
Trên cơ sở này, các tòa soạn có thể tăng mức độ tương tác và xây dựng kết nối với độc giả bằng cách cung cấp nội dung phù hợp với sở thích. Chẳng hạn, cùng một nội dung “nghiên cứu bơm lốp ô tô đúng cách có thể giảm 7% chi phí xăng dầu” nhưng với sự hỗ trợ của AI, người làm nội dung có thể chỉnh sửa để phù hợp theo từng loại xe của độc giả, thời gian di chuyển mỗi tuần, thậm chí cả phong cách lái xe.
Một yếu tố nữa là AI có thể cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực về cách người đọc tương tác, từ đó giúp các hãng tin xác định xu hướng và điều chỉnh chiến lược nội dung của họ cho phù hợp.
AI cũng tiến hành phân tích nội dung tin, bài và vạch ra những yếu tố cần cải thiện để tăng lượng xem, chẳng hạn như tối ưu hóa tiêu đề hoặc chọn hình ảnh khác đi để thu hút người đọc tốt hơn.
Một ứng dụng nữa của AI là các chatbot giúp phản hồi độc giả, cải thiện mức độ tương tác và dịch vụ khách hàng.
Tạp chí Financial Times (FT) là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên sử dụng thành công bức tường phí, sau đó đã chuyển sang mô hình người dùng đăng ký.
Trong xu hướng công nghệ mới, FT cũng đang tìm những cách thức mới để cải thiện doanh thu và trải nghiệm người dùng. Hệ thống AI của FT theo dõi mức độ tương tác của người đọc với các bài báo cũng như phản hồi của họ.
Như vậy, AI có thể giúp các tòa soạn hiểu rõ hơn về độc giả, cung cấp nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu của người đọc, dẫn đến tăng mức độ tương tác và trung thành. AI cũng có thể tối ưu hóa quảng cáo khi phân tích hành vi và sở thích của người dùng để cung cấp quảng cáo đúng đối tượng mục tiêu, tối ưu hóa vị trí đặt quảng cáo, từ đó giúp tăng doanh thu.
Nếu như trước đây, báo FT gửi cùng một thông báo đăng ký gói tin tức cho tất cả các đối tượng từ sinh viên cho đến giám đốc điều hành, thì nay, FT dùng công nghệ máy học để cung cấp các gói đăng ký phù hợp hơn cho từng nhóm khách hàng.
Như vậy, AI có thể góp phần cách mạng hóa cách thức hoạt động của các nhà xuất bản, cho phép họ làm việc hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn.
Không thể thay thế các nhà báo
Một số nguồn tin nội bộ của hãng tin Reach (Anh) cho biết, sau khi đơn vị này thử nghiệm chương trình AI, hàng trăm nhà báo làm việc trong hệ thống của hãng đã đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Reach dự định cắt bớt việc làm báo chí, nhằm giảm mạnh chi phí để đối phó với lạm phát tăng cao và giá giấy in báo tăng cao nhất trong 15 năm.
Song, theo bà Cait O’Riordan, cựu phóng viên của BBC, hiện là giám đốc thông tin và sản phẩm của Financial Times, trong tương lai gần, công nghệ sẽ không thể thay thế các nhà báo vì độc giả muốn đọc ý kiến và phân tích, không chỉ những dữ liệu được thuật toán xử lý.
Bản thân Giám đốc điều hành của Reach - ông Jim Mullen cũng nhận định: “Tuy chúng tôi đã sản xuất những nội dung đầu tiên bằng AI nhưng tất cả các nội dung này vẫn phải do các biên tập viên định hướng. Chính biên tập viên là người tổng hợp, lựa chọn chi tiết và quyết định xuất bản bài báo”.