Trí tuệ nhân tạo: Thúc đẩy hay kiểm soát?

Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7), bao gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Italy đã đồng ý thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm, trước những lo ngại về quyền riêng tư và khả năng bị sử dụng sai gia tăng.

Trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong y học. Nguồn: AFP.

Trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong y học. Nguồn: AFP.

Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Công nghệ và kỹ thuật số nhóm G7 đã khẳng định nhu cầu thiết lập một sự dàn xếp quốc tế nhằm thúc đẩy dòng chảy dữ liệu đáng tin cậy xuyên biên giới.

Ở một diễn biến khác, dư luận đang nóng lên với việc “bố già AI" Geoffrey Hinton quyết định “quay xe” khi bày tỏ hối hận bởi nghiên cứu về mạng lưới thần kinh của ông đã định hình hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay.

"Tôi chỉ là một nhà khoa học đột nhiên nhận ra rằng AI đang trở nên thông minh hơn chúng ta. Tôi muốn “tuýt còi” và nói rằng chúng ta nên lo lắng cũng như nghiêm túc để kiểm soát AI" - ông Geoffrey Hinton nói với CNN và lập tức được các hãng truyền thông lớn trên thế giới dẫn lại.

Biệt danh "bố già AI" của Hinton được giới khoa học công nghệ đặt với sự ngưỡng mộ vì những nghiên cứu của ông chính là “đường ray mới cho con tàu công nghệ” tăng tốc. Tuyên bố của Hinton đưa ra ngay sau khi ông rời Google sau 10 năm gắn bó. Tiến sĩ Hinton nói rằng, khi không còn là người của Google thì phát biểu của ông sẽ không ảnh hưởng đến công ty, và ông đã “rất hối hận” khi nghiên cứu về mạng lưới thần kinh của mình đã bị đẩy đi quá xa.

"AI có thể chiếm lấy việc làm và tạo ra một thế giới mà nhiều người không biết đâu là sự thật nữa. Sự phát triển nhanh chóng của AI vượt qua những gì tôi và nhiều người tưởng tượng" - ông Hinton nói đồng thời nhấn mạnh: "Nếu AI trở nên thông minh hơn chúng ta thì nó sẽ thao túng chúng ta vì nó đã học được những điều đó từ con người. Có rất ít ví dụ cho thấy thứ kém thông minh hơn lại có thể chi phối thứ thông minh hơn nó. AI biết cách lập trình nên nó sẽ tìm ra cách vượt qua những hạn chế mà con người đặt ra cho nó. Nó sẽ tìm ra cách thao túng mọi người để làm những gì nó muốn".

Thực tế thì tiến sĩ Hinton không phải là nhà khoa học công nghệ duy nhất lên tiếng trước những lo ngại về AI. Hồi tháng 3, nhiều nhà khoa học đã ký vào một lá đơn kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo dừng đào tạo các hệ thống AI mạnh nhất trong ít nhất 6 tháng, vì rằng nó có thể dẫn đến "những rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại".

Bức thư được Future of Life Institute (một tổ chức phi lợi nhuận do tỷ phú Elon Musk hậu thuẫn) công bố trong bối cảnh ChatGPT của OpenAI làm mưa làm gió trên thế giới.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp gỡ giám đốc điều hành các công ty phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ, vào ngày 4/5. Cuộc gặp bắt đầu từ thư mời của Nhà Trắng với nội dung chính là các công ty công nghệ lớn phải bảo đảm sản phẩm của họ an toàn trước khi cung cấp cho công chúng; bao gồm rủi ro vi phạm quyền riêng tư, sự thiên vị, nguy cơ làm gia tăng các trò gian lận và thông tin sai lệch, lo ngại về an ninh và giáo dục.

Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp với các công ty công nghệ như một động thái thể hiện rõ mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Lãnh đạo các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic đã được mời tới Nhà Trắng.

Trong phát biểu của mình, bà Harris cho biết các công ty công nghệ phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ, cũng như đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ. Phải tạo ra sản phẩm AI “có đạo đức”. Còn ông Biden nói: “Những gì các ngài đang làm mang đến tiềm năng to lớn nhưng kèm theo đó là nguy cơ rủi ro”.

Cho đến nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được ghi nhận tích cực trong các ứng dụng y tế, nhất là với các robot hộ lý và đọc phim chẩn đoán bệnh để đưa ra những gợi ý phương pháp điều trị, kể cả các loại thuốc cần dùng.

Tuy nhiên, lo ngại từ sự phát triển quá mạnh mẽ của AI có thể “cướp đi việc làm” của con người ngày càng rõ rệt hơn. Ngày 8/5, Giám đốc điều hành IBM cho biết sẽ đóng băng việc tuyển dụng với dự kiến khoảng 7.800 vị trí công việc sẽ được thay thế bởi AI.

"Những vị trí không tiếp xúc khách hàng chiếm khoảng 26.000 nhân sự của chúng tôi. Có thể dễ dàng nhận thấy 30% trong số họ sẽ bị thay thế bởi AI và quá trình tự động hóa trong 3 năm tới" - ông Krishna nói với Bloomberg.

Mới đây, Samsung Electronics đã ban hành lệnh cấm sử dụng ChatGPT và các trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự sau khi phát hiện nhân viên tải các mã nhạy cảm lên chatbot của OpenAI. Trong thông báo gửi nhân viên, lãnh đạo Samsung thừa nhận các nền tảng AI dù mang đến tiện ích và hiệu quả nhưng chúng cũng gây lo ngại về công tác bảo mật. Dữ liệu đưa lên những nền tảng AI, kể cả của OpenAI hay Google Bard, Bing… đều được lưu trên máy chủ bên ngoài. Điều đó khiến rất khó để truy xuất và xóa bỏ, cuối cùng sẽ bị tiết lộ. Hãng này cảnh báo nếu nhân viên vi phạm quy định trên sẽ bị đuổi việc. Hồi đầu tháng 4, các kỹ sư Samsung đã vô tình làm lộ mã nguồn nội bộ khi đăng lên ChatGPT và hiện không rõ dữ liệu bị lộ bao gồm những gì.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tri-tue-nhan-tao-thuc-day-hay-kiem-soat-5717270.html