Trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn - giải pháp đột phá cho phát triển

Đây là một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số - một dự luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn là 2 'chìa khóa' quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số

Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số của Việt Nam ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm…

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đưa ra những quy định về việc sử dụng AI có trách nhiệm. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đưa ra những quy định về việc sử dụng AI có trách nhiệm. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số để bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn là 2 công nghệ số cốt lõi nhất.

Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc khi đứng thứ 5/10 nước trong ASEAN, đứng thứ 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023" theo đánh giá của Oxford Insights. Đáng chú ý, đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực AI.

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT cho biết: AI là một trong những công nghệ số đột phá có tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, AI cũng đặt ra những thách thức về rủi ro đối với con người, xã hội. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã dành 1 chương quy định về AI nhằm bảo đảm khuyến khích, phát triển, ứng dụng AI và có biện pháp quản lý giảm thiểu rủi ro nhằm bảo đảm công nghệ số này được khai thác một cách có trách nhiệm, thúc đẩy niềm tin và đảm bảo an toàn cho con người.

Dự thảo Luật cũng quy định "Công nghiệp bán dẫn" thay cho "vi mạch bán dẫn" nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và có cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ. Đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế, xã hội; đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/tri-tue-nhan-tao-va-cong-nghiep-ban-dan-giai-phap-dot-pha-cho-phat-trien-i754879/