Trí tuệ nhân tạo và sức mạnh con người trong 'Xứ cát'

Đến với bối cảnh trong 'Dune', con người đã phát triển để bù đắp khoảng trống do trí tuệ nhân tạo để lại.

 Hình ảnh trong phim chuyển thể Dune của đạo diễn Denis Villeneuve. Ảnh: Legendary Entertainment.

Hình ảnh trong phim chuyển thể Dune của đạo diễn Denis Villeneuve. Ảnh: Legendary Entertainment.

Tầm 4-5 năm trước, kiếm được một người đọc Dune khó hơn bây giờ rất nhiều. Phần vì khi đó bản dịch chưa được tái bản, phần vì chưa có một bộ phim chuyển thể thực sự thành công.

Cuối 2018, mình may mắn mua được bản tiếng Anh của Dune; nhưng phải đến cuối 2019 mình mới ngốn hết quyển sách đó. Dune hay, nhưng không dễ đọc cho lắm.

Tuy nhiên, dạo này mình đang đọc lại Dune bản tiếng Việt nên muốn chia sẻ chút ít về một trong những sự kiện lịch sử thú vị nhất trong vũ trụ này: Butlerian Jihad.

Butlerian Jihad trong "Dune" là gì?

Mặc dù là một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng quan trọng nhất trong lịch sử văn học, thậm chí truyền cảm hứng cho Star Wars (franchise sci-fi nổi tiếng nhất mọi thời đại), Dune lại thiếu đi một yếu tố thường thấy trong khoa học viễn tưởng: người máy và trí tuệ nhân tạo.

Once men turned their thinking over to machines in the hope that this would set them free. But that only permitted other men with machines to enslave them”.

"Đã có thời con người chuyển giao sự tư duy của họ sang máy móc với hy vọng điều đó cho họ tự do. Nhưng nó lại chỉ cho phép những người khác cùng với máy móc biến họ thành nô lệ".

Khoảng 10.000 năm trước những sự kiện trong Dune, đã tồn tại những chiếc máy biết suy nghĩ. Con người tìm đến những cỗ máy này, họ lạm dụng những cỗ máy này với hy vọng được "giải phóng". Tuy nhiên, như thế chỉ tạo điều kiện cho những con người khác sử dụng máy móc để nô dịch họ.

 Các phiên bản sách Dune của Frank Herbert. Ảnh: Hải Dương.

Các phiên bản sách Dune của Frank Herbert. Ảnh: Hải Dương.

Từ đó nổ ra một cuộc nổi dậy kéo dài gần một thế kỷ chống lại những cỗ máy biết suy nghĩ. Đó chính là Butlerian Jihad. Cuối cùng, Jihad đã phá hủy thành công tất cả cỗ máy, nhưng đánh đổi lại là hàng tỷ người thiệt mạng do đói khát, bệnh tật và nhiều lí do khác do thiếu đi máy móc.

“Thou shalt not make a machine in the likeness of a human mind”.

"Ngươi không được tạo ra một cỗ máy giống như trí óc con người".

Đến với bối cảnh trong Dune, con người đã phát triển để bù đắp khoảng trống do trí tuệ nhân tạo để lại. Thế giới hiện nay tồn tại các Bene Gesserit, các Mentat,... những cá nhân phát triển tâm trí đến mức thực hiện phép tính siêu phức tạp, hay thậm chí là điều chỉnh cơ thể chính bản thân mình.

Đây là một trong những yếu tố Frank Herbert khám phá trong sách: con người ta sẽ thay đổi và tiến hóa như nào khi lâm vào nghịch cảnh, khi thoát khỏi vùng an toàn, khi thiếu đi dụng cụ hỗ trợ. Ông tin rằng sức mạnh tự nhiên của con người là tối cao nhất, có thể đưa họ vượt qua nhiều gian nan, thử thách.

Tất nhiên đó chỉ là một trong nhiều điều khiến Dune nổi bật và giữ nguyên sức ảnh hưởng đến ngày hôm nay. Mình viết bài này cố gắng tránh nói trước nội dung, vì mình tin rằng Dune là cuốn sách dù khó nhưng lại rất đáng đọc. Mong dòng sci-fi sẽ ngày càng có nhiều độc giả trung thành hơn ở Việt Nam.

Hải Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tri-tue-nhan-tao-va-suc-manh-con-nguoi-trong-xu-cat-post1423897.html