Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật

Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 – 18/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội (10/11/1979 – 10/11/2024) , ngày 14/5 , Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024 với chủ đề 'Pháp luật và trí tuệ nhân tạo ' .

Diễn đàn là hoạt động thường niên

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã duy trì thường niên các hoạt động khoa học để chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam với trọng tâm là tổ chức Diễn đàn Luật học và Phát triển. Qua đó, cùng với nhiều hoạt động khoa học được tổ chức thường xuyên trong năm, Trường đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu với sự đa dạng về loại hình, sản phẩm khoa học.

TS Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Diễn đàn

TS Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Diễn đàn

Chỉ tính riêng năm học 2023 - 2024, Trường đã chủ trì thực hiện thành công 06 đề tài cấp Bộ; 08 đề tài cấp thành phố, tỉnh; 56 đề tài cấp cơ sở; 58 công trình khoa học quốc tế, gần 300 công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, 280 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhiều hội thảo các cấp được tổ chức để đóng góp vào hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có một số hội thảo lớn thu hút sự chú ý của các cơ quan hoạch định chính sách và công luận, tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng học thuật và xã hội.

Diễn đàn năm 2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học pháp lý, từ các vấn đề lý luận cơ bản đến các vấn đề hoàn thiện chính sách và pháp luật mang tính thời sự, cũng như vấn đề xây dựng nguồn nhân lực pháp luật đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời, làm nổi bật hơn nữa những hoạt động, kết quả nghiên cứu khoa học của Trường trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Diễn đàn năm 2024 bao gồm các chuỗi hoạt động gồm: Lễ khai mạc Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024; 1 hội thảo trọng điểm “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật”;tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về xuất bản sách tại nhà xuất bản sách quốc tế có uy tín; hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2024; tổng kết và trao giải cuộc thi “Sinh viên với nghiên cứu khoa học năm 2024” và Lễ phát động cuộc thi “Sinh viên với nghiên cứu khoa học năm 2025” ; Lễ bế mạc Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024.

Cùng ngày 14/5, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo trọng điểm với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật”. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, ở hầu hết các quốc gia, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội đang thu hút sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân. Nhiều dự báo cho thấy tiềm năng to lớn mà việc phát triển và ứng dụng AI có thể mang tới cho nâng cấp công nghệ, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong lĩnh vực chính sách và pháp luật, sự phát triển của AI đã đặt ra nhiều cơ hội cần được khai thác và những thách thức cần được giải quyết. AI đang ảnh hưởng đến chính sách và pháp luật ở nhiều chiều cạnh, từ việc thay đổi phương thức áp dụng pháp luật đến tạo ra các thách thức mới trong khung thể chế, pháp luật và đạo đức; AI có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, các nhà lập pháp của hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trong việc tạo ra các quy định mới để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này, bao gồm đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy của các ứng dụng AI, các vấn đề về đạo đức, bản quyền, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

TS. Đoàn Trung Kiên mong muốn, Hội thảo hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận những vấn đề có liên quan đến chủ đề hội thảo trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và AI nói riêng.

Về việc nhận diện AI và ứng dụng AI trong thực tế, TS Nguyễn Đức Toàn, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết qua quá trình phát triển, AI có lịch sử tiến hóa khá phong phú qua gần 7 thập kỷ bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ 19. Thông qua cách thức hoạt động, có 6 phương pháp để tạo ra AI gồm: Suy diễn; học có giám sát; học không giám sát; học tăng cường; học sâu; sáng tạo.

Theo TS Nguyễn Đức Toàn, AI là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng với tiềm năng làm thay đổi cách con người làm việc, học tập và tương tác với công nghệ. Công nghệ AI đang ngày càng được tích hợp vào các khía cạnh khác nhau của môi trường làm việc, từ tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại đến việc giúp các chuyên gia ra quyết định thông minh hơn. Công nghệ AI có tiềm năng thay đổi cách con người làm việc và cải thiện năng suất, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới như mất việc làm hay các vấn đề về đạo đức. Để chuẩn bị cho tương lai, mọi cá nhân và tổ chức cần trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong một thế giới được điều khiển bởi AI. Ngoài ra, các nhà hoạch định cần thiết lập các chính sách để đối phó với những ảnh hưởng tiềm ẩn của AI đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có lợi cho nhân loại.

Một số đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Một số đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Về tính xác thực và bảo hộ bản quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh, TS. Trần Tiến Công, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nêu rõ, trong thời gian gần đây, các mô hình tạo sinh hình ảnh, video và văn bản bằng công cụ áp dụng trí tuệ nhân tạo đã trở nên phổ biến chưa từng thấy, cung cấp ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, thử nghiệm trực quan hóa dữ liệu. Tuy nhiên, sự gia tăng tiện ích này cũng đặt ra những thách thức, bao gồm cả khả năng làm sai lệch thông tin, gây ra những vấn đề về lý và bảo hộ bản quyền tác giả. Với bối cảnh nhiều mặt này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu và các nhà bảo hộ quyền tác giả là phát hiện và xác định nguồn gốc của hình ảnh do AI tạo ra. Việc này có tác động lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm bảo mật, quyền riêng tư và ngành truyền thông.

Để nâng cao tính xác thực và bảo hộ bản quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh, theo TS. Trần Tiến Công cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để phát triển các chuẩn mực và quy định về việc sử dụng hình ảnh tạo sinh, tránh bị sử dụng vào mục đích xấu; áp dụng công nghệ Al cho việc tự động phát hiện hành vi sử dụng ảnh giả mạo trên internet và các nền tảng trực tuyến khác; tăng cường giáo dục và tạo nhận thức cho cả người sáng tạo và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền hình ảnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các nội dung về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh và phản ứng chính sách của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Thực tiễn của Liên minh Châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam; thực trạng và giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tư vấn pháp luật…

Minh Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tri-tue-nhan-tao-voi-hoat-dong-xay-dung-va-thuc-hien-phap-luat-post512448.html