Trị xong áp xe ruột thừa, cụ ông nghèo 82 tuổi cần được đặt máy tạo nhịp tim

Các bác sĩ đã lên kế hoạch theo dõi và sắp xếp để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cụ ông.

Ngày 21-6, tin từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết vừa điều trị thành công một bệnh nhân với chẩn đoán áp xe ruột thừa.

Bệnh nhân là cụ ông Lê Văn Phú (82 tuổi; ngụ xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

Sau khi được cứu sống, cụ ông 82 tuổi cần được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống

Sau khi được cứu sống, cụ ông 82 tuổi cần được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống

Trước đó, cụ ông phát bệnh 3 ngày với triệu chứng đau hố chậu phải, sốt nhẹ, uống thuốc không giảm, nên đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang ngày 20-6 với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, block nhĩ thất độ III. Sau đó, bệnh nhân được đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.

Một năm trước, bệnh nhân có tiền sử rối loạn nhịp chậm (block nhĩ thất độ III), có triệu chứng chóng mặt và ngất một lần được chỉ định đặt máy tạo nhịp nhưng do gia đình nghèo nên chưa thực hiện được.

Tình trạng lúc vào viện, bệnh nhân sốt nhẹ, đau hố chậu phải nhiều, huyết áp tăng cao 160/90 mmHg, nhịp tim 20 – 30 lần/phút. Nhận định đây là một trường hợp bệnh phối hợp phức tạp, cần xử trí cấp cứu, nên các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn bệnh viện với nhiều chuyên khoa.

Đặc biệt, đây là một trường hợp block nhĩ thất độ III nhịp thoát thất 20 – 30 lần/phút nguy cơ đột tử cao, nên có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa.

Sauk hi đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật.

Kết quả phẫu thuật ruột thừa viêm mưng mủ, nằm ở vị trí bình thường, rãnh đại tràng có ít dịch viêm. Đầu ruột thừa dính vào mạc treo ruột non tạo thành ổ áp xe, tiến hành bộc lộ gốc ruột thừa cột mạc treo ruột thừa bằng chỉ silk 2.0.

Sáng 21-6, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, hết đau bụng, vết mổ khô, nhịp tim của máy tạm thời là 60 lần/phút.

Theo bác sĩ CKII Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, đây là một trường hợp áp xe ruột thừa kèm bệnh lý nội khoa nặng là rối loạn nhịp chậm cấp cứu. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử cao, ngay cả khi bệnh nhân không thực hiện phẫu thuật. Chính nhờ sự phối hợp đồng bộ và xử lý kịp thời của các chuyên khoa, nên cuộc phẫu thuật đã thành công.

Hiện tại, ngoài hỗ trợ một phần kinh phí cho bệnh nhân, ban giám đốc bệnh viện cũng đã chỉ đạo Phòng Công tác xã hội tiến hành kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân giúp đỡ bệnh nhân trên.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đã lên kế hoạch theo dõi và sắp xếp để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tri-xong-ap-xe-ruot-thua-cu-ong-ngheo-82-tuoi-can-duoc-dat-may-tao-nhip-tim-20190621182839842.htm