Trích trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ mười hai, HĐND tỉnh khóa XVII

HBĐT - Trên cơ sở xem xét, lựa chọn các nội dung đề xuất chất vấn của các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ mười hai, HĐND khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất lựa chọn 2 nhóm vấn đề để đại biểu HĐND tỉnh chất vấn UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh tại Phiên chất vấn tại Hội trường gồm: Trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND TP Hòa Bình trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và quản lý lĩnh vực điện lực (các hợp tác xã (HTX) điện năng) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Báo Hòa Bình xin trích đăng một số ý kiến quan trọng tại phiên chất vấn tại Kỳ họp.

HBĐT - Trên cơ sở xem xét, lựa chọn các nội dung đề xuất chất vấn của các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ mười hai, HĐND khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất lựa chọn 2 nhóm vấn đề để đại biểu HĐND tỉnh chất vấn UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh tại Phiên chất vấn tại Hội trường gồm: Trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND TP Hòa Bình trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và quản lý lĩnh vực điện lực (các hợp tác xã (HTX) điện năng) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Báo Hòa Bình xin trích đăng một số ý kiến quan trọng tại phiên chất vấn tại Kỳ họp.

I. Đối với nhóm vấn đề thứ nhất:

Kịp thời kiểm tra sai phạm của các mỏ khai thác khoáng sản

Đại biểu Phạm Thanh Bình, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi hỏi chất vấn tại hội trường.

Đại biểu Phạm Thanh Bình, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi hỏi chất vấn tại hội trường.

Đại biểu Phạm Thanh Bình, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi hỏi: Trong thời gian qua, trên địa tỉnh có nhiều mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) không tuân thủ quy định của pháp luật về thiết kế cơ sở, kỹ thuật được phê duyệt; sử dụng thuốc nổ vượt quá khối lượng quy định vẫn đang diễn ra gây ô nhiễm môi trường về khói bụi, tiếng nổ, rung chấn, đá văng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân gần khu vực hoạt động khai thác đá. Đề nghị đồng chí lãnh đạo Sở Công Thương cho biết việc cấp phép vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp khai thác đá làm VLXD nói chung và đối với một số doanh nghiệp khai thác đá chưa đảm bảo quy trình thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, ví dụ như: Công ty CPSXVL&XD Hòa Bình tại mỏ đá thôn Hang Voi, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy; Công ty Phát Đạt khai thác mỏ đá xóm Lạng, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi; Công ty CP Phát Đạt tại mỏ đá thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn …

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn.

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn.

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 dự án khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường có sử dụng VLNCN; trong đó, Sở Công Thương cấp 57 giấy phép sử dụng VLNCN. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế khai thác mỏ được Sở Xây dựng thẩm định. Để kịp thời khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án, BTV Tỉnh ủy đã có Thông báo kết luận số 1089-TB/VPUB, ngày 26/5/2022 do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát kỹ từng mỏ khoáng sản và đưa ra phương án xử lý đối với từng mỏ khoáng sản. Thực hiện nội dung trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 27/7 – 4/10, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra 63/65 dự án. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không vượt quá khối lượng trong giấy phép trong giấy phép và thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, đã phát hiện một số hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động KTKS. Hiện nay, Tổ công tác liên ngành đang trong quá trình tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sau khi báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương sẽ có báo cáo đầy đủ với TT HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi.

Cơ bản các hợp tác xã điện năng hoạt động theo quy định

Đại biểu Nguyễn Thu Hà, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về hoạt động của các HTX điện năng.

Đại biểu Nguyễn Thu Hà, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về hoạt động của các HTX điện năng.

Đại biểu Nguyễn Thu Hà, Tổ đại biểu TP Hòa Bình hỏi: Hiện nay, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh còn 13 HTX điện năng đang hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống đường điện từ lâu không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, không đảm bảo an toàn; hoạt động của các HTX này không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH hiện nay, chất lượng điện thấp, tổn thất điện năng lớn, giá bán điện thì cao không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, SXKD của người dân. Từ thực trạng về hoạt động yếu kém của các HTX điện năng, đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết như vậy thì có cần thiết duy trì các HTX này không ?. Nếu vẫn để cho các HTX tiếp tục hoạt động, thì trong thời gian tới Sở có những giải pháp gì để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX điện năng.

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 13 đơn vị quản lý điện nông thôn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc bàn giao tài sản lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư từ dự án Năng lượng nông thôn 2 (Dự án REII) cho ngành điện quản lý. Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện có dự án tổ chức rà soát và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bàn giao lưới điện trên địa bàn thuộc 53/53 xã thuộc Dự án REII cho ngành điện quản lý. Đến nay đã tổ chức bàn giao được 41/53 xã cho ngành điện quản lý, còn lại 12 xã do đơn vị quản lý điện nông thôn quản lý. Ngày 18/5/2016, Văn phòng UBND tỉnh đã có Văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương bàn giao vốn và tài sản lưới điện lưới điện hạ áp nông thôn. Qua kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của các đơn vị quản lý điện nông thôn trong thời gian qua cho thấy: Cơ bản các đơn vị chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động phân phối và bán lẻ điện, thực hiện hoàn trả đầu tư đầy đủ đúng thời hạn.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và đảm bảo chất lượng điện năng trong phạm vi quản lý, vận hành các đơn vị quản lý điện nông thôn trên địa bàn huyện của tỉnh, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện nâng cấp công suất 13 máy biến áp quá tải và xây dựng mới đường dây trung áp, trạm biến áp… Đến nay, Công ty Điện lực Hòa Bình đã báo cáo, đề xuất với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc bố trí nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên đến nay chưa bố trí được nguồn vốn. Mặt khác hiện nay, Sở Công Thương cũng đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay đang lựa chọn nhà thầu xây lắp, dự kiến được triển khai cuối quý IV/2022 và hoàn thành đóng điện vào quý II/2023. Dự án hoàn thành giảm bán kính cấp điện đường dây hạ thế, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.

Kiên quyết xử lý các vi phạm quản lý, sử dụng vật liệu nổ theo thẩm quyền

Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về vấn đề quản lý vật liệu nổ.

Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về vấn đề quản lý vật liệu nổ.

Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu TP Hòa Bình hỏi: Thông qua các đợt thanh, kiểm tra cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri, tình hình quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn vi phạm, đặc biệt trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng, đầu tư xây dựng kho chứa chưa đảm bảo quy định, gây nguy cơ mất an toàn cho người lao động, môi trường và ảnh hướng đến đời sống người dân. Xin đồng chí cho biết nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên, trách nhiệm cá nhân của lĩnh vực được giao. Vấn đề phối hợp với các ngành chức năng và việc xử lý vi phạm các dự án thi công, khai thác không đúng hồ sơ thiết kế.

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Đối với ý kiến khi vận chuyển vật liệu nổ về các kho vi phạm, xác định đối với kho mìn theo quy chuẩn, ngành Công Thương phối hợp với Công an và các sở, ngành lựa chọn theo quy định để đảm bảo an toàn cho kho. Và khi xây dựng đảm bảo theo quy định, quy chuẩn và các biện pháp đảm bảo an toàn, được thiết kế và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi vận chuyển vật liệu nổ cũng có quy định riêng phải được cấp phép và biểu tượng vận chuyển, đảm bảo quy định chặt chẽ. Trong quá trình kiểm tra, nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ không được cơ quan chức năng cấp phép vận chuyển. Tất cả các hồ sơ khai thác mỏ đều phải có thiết kế, do Sở Xây dựng thẩm định. Trong quá trình kiểm tra của tổ liên ngành, đối với những dự án vi phạm về quản lý, sử dụng VLNCN đúng thẩm quyền, Sở Công Thương tham mưu, xử lý. Tùy mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định của các ngành chức năng.

II. Đối với nhóm vấn đề thứ hai:

Giải quyết tận gốc vấn đề rác thải TP Hòa Bình

Đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về vấn đề xử lý rác thải.

Đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu TP Hòa Bình chất vấn về vấn đề xử lý rác thải.

Đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu thành phố Hòa Bình hỏi: Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trong thời gian tới sẽ có giải pháp gì giải quyết tận gốc tình trạng rác thải ở TP Hòa Bình?

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Trong thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm trực tiếp chỉ đạo sát sao UBND thành phố trong việc quy hoạch, thu gom, xử lý rác thải. Hiện nay, trên địa bàn TP Hòa Bình đã quy hoạch 3 điểm xử lý rác ở nhà máy Bắc Việt ở xã Thịnh Minh, khu vực phường Thống Nhất và bãi xử lý rác xã Yên Mông. Đối với Công ty Bắc Việt, lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm ủng hộ công ty đầu tư xử lý rác trên địa bàn. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, Công ty Bắc Việt xử lý rác chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa khắc phục vi phạm hành chính, công suất của công ty chưa đạt theo cấp chứng nhận đầu tư và đánh giá tác động môi trường với công suất 190 tấn/ngày đêm. Đồng thời, Nhân dân không đồng thuận việc xử lý rác của công ty nên gây khó khăn cho hoạt động nhà máy. Mỗi ngày, thành phố có 75 tấn rác. Để tháo gỡ cho việc tồn đọng rác, TP Hòa Bình đã liên hệ và vận chuyển về Nhà máy xử lý rác công nghệ cao ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Tuy nhiên, hiện công xuất xử lý của nhà máy rác công nghệ cao hạn chế và chỉ xử lý được hết lượng rác phát sinh trong ngày của thành phố. Còn lượng rác tồn đọng ở 4 điểm tập kết tạm thời đang được đóng thành kiện chuyển về nhà máy xử lý dần. Dự kiến đến hết tháng 12 sẽ xử lý hết lượng rác trên đường Trương Hán Siêu. Đến tháng 6/2023 sẽ xử lý hết lượng rác còn tồn đọng.

Trong thời gian tới, sẽ quy hoạch 3 điểm để xử lý rác liên vùng huyện và kêu gọi các nhà đầu tư công nghệ đảm bảo xử lý rác theo đúng quy định. Không để xảy ra tình trạng huyện nào cũng có lò đốt, xã nào cũng có lò đốt không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình trả lời chất vấn.

Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình trả lời chất vấn.

Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình trả lời: Công tác thu gom rác do Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình ở thành phố đảm nhiệm. Công ty có 450 công nhân và 8 xe vận chuyển nên làm tốt công việc thu gom và vận chuyển. Còn công tác xử lý rác thì do nhà máy xử lý rác thải của Công ty Bắc Việt đảm nhiệm. Từ tháng 8/2020, người dân xã Thịnh Minh ngăn cản hoạt động của nhà máy xử lý rác Bắc Việt. Số lượng rác lớn ùn tắc. Thành phố đã liên hệ các địa phương xung quanh trong bán kính 150 km nhưng không có đơn vị nào tiếp nhận được rác thải thành phố. Do vậy, UBND thành phố tập kết rác ở 4 điểm tạm thời. Các điểm này được gia cố, xử lý không để ô nhiễm ra môi trường bên ngoài. Trước mắt lượng rác hàng ngày và tồn đọng được nhà máy xử lý rác công nghệ cao ở huyện Lạc Thủy xử lý do nhà máy này vừa được nâng công xuất lên trên 120 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, kinh phí vận chuyển tăng cao gấp 4 lần so với trước. Trong thời gian tới, các cấp ngành cần yêu cầu Công ty Bắc Việt hoạt động trở lại. Đồng thời nâng công suất đảm bảo đúng cam kết đầu tư, đảm bảo đủ lượng rác thu gom ở TP Hòa Bình hàng ngày.

Chỉ đạo xử lý dứt điểm tồn tại rác thải sinh hoạt ở TP Hòa Bình

Đại biểu Trần Ánh Dương, tổ Đại biểu huyện Lạc Thủy chất vấn về vấn đề xử lý rác hiệu quả.

Đại biểu Trần Ánh Dương, tổ Đại biểu huyện Lạc Thủy chất vấn về vấn đề xử lý rác hiệu quả.

Đại biểu Trần Ánh Dương, Tổ đại biểu huyện Lạc Thủy hỏi: UBND tỉnh có giải pháp gì trong xử lý rác thải rắn nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng để công tác quản lý, tổ chức thực hiện xử lý rác thải hiệu quả. Đồng thời sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tiết kiệm?

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Thời gian qua, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đại biểu HĐND và cử tri đặc biệt quan tâm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo. Riêng thực trạng rác thải sinh hoạt tại TP Hòa Bình, UBND tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư công nghệ cao ở huyện Lạc Thủy và đầu tư 1 lò xử lý rác đáp ứng công suất 100 tấn/ngày đêm nhằm giải quyết tồn tại rác thải của TP Hòa Bình và một phần cho huyện Lạc Thủy.

Về giải pháp lâu dài, trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch xử lý rác, giai đoạn 2025-2030, đồng thời đưa vào quy hoạch của tỉnh. Đối với giải pháp trước mắt và hiện nay là chuyển rác thải sinh hoạt đến nơi xử lý công nghệ cao, tỉnh đã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện ép rác để giảm chi phí trung chuyển. Tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, của địa phương, tồn tại rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình sẽ được giải quyết gọn trước thời điểm Tết Nguyên đán. Đồng thời, đảm bảo rác thải sinh hoạt trong thời gian tới đây sẽ được xử lý triệt để hàng ngày. Việc quy hoạch xử lý rác và giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải sinh hoạt tồn tại sẽ góp phần xúc tiến thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào xử lý rác thải sinh hoạt.

Hương Lan - Việt Lâm - Bùi Minh (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/172969/trich-tra-loi-chat-van-tai-ky-hop-thu-muoi-hai,-hdnd-tinh-khoa-xvii.htm