Triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng công tác Mặt trận
Sáng 9/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương chủ trì hội nghị.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, nhiệm kỳ 2026-2031 tổ chức tháng 5/2026

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Trình bày Tờ trình xin ý kiến dự thảo định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, năm 2026, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam định hướng 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; vận hành tổ chức bộ máy Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính hoạt động đảm bảo hiệu quả; rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ bảo đảm đồng bộ, thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, bám cơ sở; tiếp tục rà sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ nay đến hết năm 2025 và trong năm 2026, hệ thống Mặt trận tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc. Chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2026 - 2031 của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau Đại hội Đảng các cấp. Tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031...
Đối với dự thảo Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, được tiến hành ngay sau khi thực hiện chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt khi đã hợp nhất, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày dự thảo định hướng trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Về công tác nhân sự Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trên cơ sở kế thừa số lượng Ủy viên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiện nay và yêu cầu thực tiễn, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến có 500 vị Ủy viên; Đoàn Chủ tịch có 100 vị. Ban Thường trực xây dựng Đề án nhân sự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Theo Đề án, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5/2026 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội. Số lượng đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ 2026 - 2031 bằng số lượng đại biểu dự Đại hội của nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đã trình bày Tờ trình về việc xin ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT về đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn sau khi sắp xếp tổ chức trong hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương

Các đại biểu tham dự Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa X. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Góp ý vào định hướng trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên quan tâm tới nhiệm vụ vận hành tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Hiện nay cơ bản các đầu mối đã hình thành và vận hành thông suốt nhưng phải quan tâm, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau khi sắp xếp tổ chức trong hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương để cán bộ yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, cần khắc phục được tình trạng chồng chéo, hạn chế khi các tổ chức đoàn thể đã về chung "ngôi nhà" Mặt trận; đồng thời phát huy được vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và tính chủ động của các tổ chức.
Về công tác giám sát phản biện xã hội, bà Bùi Thị Thanh kiến nghị MTTQ Việt Nam phải tăng cường giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát đối với các cơ quan Nhà nước trong thực thi văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, từ đó có những kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
Góp ý kiến tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đánh giá cao kết quả công tác sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy Mặt trận trong thời gian vừa qua. Việc MTTQ Việt Nam triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tinh thần cầu thị, đổi mới.

Quang cảnh hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa X. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Thể hiện sự quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh mới, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đệ đề nghị để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong lĩnh vực y tế yên tâm phát triển, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời kiến nghị các Hội thành viên trong khối Mặt trận cần chú trọng hơn nữa công tác tập hợp, quản lý, hỗ trợ đội ngũ doanh nhân, đồng thời đẩy mạnh việc củng cố tổ chức, phát huy hiệu quả vai trò của hội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đệ cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại sau quá trình sáp nhập, đặc biệt là ở cấp cơ sở vì vậy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý Nhà nước cần được đẩy mạnh.
Muốn quản lý tốt, muốn gần dân, cán bộ phải thấu hiểu dân, phải hành động đúng theo tinh thần phụng sự của Đảng. Tính tiên phong, xung kích của người cán bộ, đảng viên cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa. Những tư tưởng cũ kỹ, lối nghĩ đặc quyền, đặc lợi, thậm chí những biểu hiện tham nhũng vẫn âm thầm chờ cơ hội "tái sinh" cần được khắc phục. Vì vậy, vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các hội cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát của mình, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đệ nêu rõ.