Triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông
Thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thông suốt 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông (gồm: Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng) giữa các ngành Tư pháp, Công an, Y tế, Lao động-Thương binh-Xã hội và Bảo hiểm xã hội.Sau thời gian triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết được 1.337 lượt đăng ký hồ sơ liên thông khai sinh và 223 lượt đăng ký hồ sơ liên thông khai tử.
Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, giảm thời gian giải quyết của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã chủ trì, tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, VNPT Quảng Bình bảo đảm các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm, nhân lực phục vụ triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Nhờ sự phối hợp, nỗ lực không ngừng của các đơn vị, từ ngày 20/7/2023, hai nhóm thủ tục liên thông bao gồm: Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để phục vụ công dân. Theo đó, công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến từ Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc đến bộ phận một cửa cấp xã để được hỗ trợ thực hiện các thủ tục bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.
Theo thượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, trên cơ sở xác định dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc để liên kết với các dữ liệu, hệ thống thông tin khác trong khai thác sử dụng phục vụ giải quyết TTHC, lực lượng Công an đã quyết liệt, tích cực đôn đốc, duy trì thực hiện nhiệm vụ làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để thông tin công dân trên hồ sơ thực tế trùng khớp và được xác thực với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, khẩn trương, kịp thời tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Công an, UBND tỉnh trong cung cấp dịch vụ công liên thông. Bên cạnh đó, theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo Công an cấp xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng thời gian, quy trình quy định đối với các thủ tục “Đăng ký thường trú”, “Xóa đăng ký thường trú” thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Nhìn chung, việc thực hiện TTHC liên thông đã bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả cho công dân theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, nâng cao năng lực trình độ và thái độ chuẩn mực theo quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp dân, giải quyết TTHC hàng ngày, giảm bớt sự phiền hà cho nhân dân.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực tổng hợp, lắng nghe ý kiến phản hồi của công dân, cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở để tham mưu UBND tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh kịp thời phản ánh, kiến nghị Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an khắc phục, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông để nâng cao hơn nữa chất lượng triển khai và tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân trong thực hiện TTHC liên thông.