Triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với thiên tai
Những năm gần đây, hiện tượng sói mòn và sạt lở xảy ra tại huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ... cũng như một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã gia tăng ở mức báo động.
Trên thực tế, không chỉ huyện Mỹ Đức mà tại một số nơi khác, tình trạng sạt lở ven sông vẫn đang diễn ra. Có thể kể đến, sạt lở bờ sông Đà qua địa bàn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) dài khoảng 655 m có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân sinh sống, hiện các vị trí sạt lở đang có xu hướng mở rộng và cách nhà dân 3-5 m gây nguy hiểm cho các hộ dân.
Tại bờ hữu sông Cà Lồ (huyện Đông Anh) từ đền Ba Voi đến cầu Phủ Lỗ cũng xuất hiện lún sụt ở bờ sông. Các công trình phụ của di tích đền Ba Voi cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt xé, lún nền như: nứt, lún ở khu vực sân, các vết nứt trên tường…
Tình trạng sạt lở ven các tuyến sông trên địa bàn Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều cư dân ven sông, mà còn làm suy giảm năng lực phòng chống lũ của các tuyến đê. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi mùa mưa bão 2020 được đánh giá là sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian tới, các cấp chính quyền phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng sạt, lở xảy ra tại ven sông.
Trước diễn biến sạt lở xảy ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến sông, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông tại Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh cũng như một số địa phương khác. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở tiếp diễn, cắm biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư, thực hiện các dự án xử lý cấp bách những sự cố sạt lở nêu trên, bảo đảm phòng chống lũ, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân ven sông.
Tại huyện Mỹ Đức, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có kế hoạch cụ thể để phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện. Theo đó, nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và của, đảm bảo an ninh quốc phòng…Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu quán triệt sâu rộng quy định pháp luật về phòng chống thiên tai, kế hoạch, chương trình về phòng chống thiên tai trên địa bàn đến các cơ quan, tổ chức, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn huyện.
Quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi thiên tai xảy ra. Nâng cao năng lực của cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư…
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, ngập lụt, sạt lở đê điều, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao hồ. Tổ chức tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Tổ chức trực ban theo quy định để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, hệ thống công trình đê điều của Hà Nội dày đặc. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống công trình đê điều trên địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, đến nay, đã xuống cấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy của các sông thay đổi dẫn đến tình trạng bị xói lở nghiêm trọng, sạt trượt, tiềm ẩn các sự cố nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão…
Để khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đê điều, sạt lở bờ sông, bãi sông, theo đề xuất của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, đối với các sự cố sạt lở công trình, bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy… trên địa bàn các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai các cấp, các ngành cần phải có phương án cụ thể, đề phòng các yếu tố bất ngờ có thể xảy ra./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trien-khai-bien-phap-cap-bach-ung-pho-voi-thien-tai-113696.html