Triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh ban hành Công văn số 39/BCH-VP, ngày 23/5/2024 về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước (TNĐN) cho trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh ban hành Công văn số 39/BCH-VP, ngày 23/5/2024 về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước (TNĐN) cho trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống thiên tai, chủ động phòng ngừa các rủi ro, TNĐN gây ra cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đề nghị:
Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, học sinh tại các cấp trường học về phòng chống đuối nước (PCĐN) cho trẻ em. Lồng ghép nội dung về PCĐN vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa của nhà trường để nâng cao các kỹ năng cho học sinh. Trong dịp nghỉ hè, đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình học sinh quản lý con em mình, đảm bảo an toàn không để xảy ra các rủi ro đáng tiếc. Tiếp tục triển khai các nội dung của đề án "Phổ cập bơi cho học sinh phổ thông và xây dựng hệ thống bể bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2018 - 2025” theo mục tiêu đề ra.
Tỉnh Đoàn lồng ghép nội dung PCĐN cho trẻ em vào các chương trình hoạt động hè năm 2024 để nâng cao nhận thức của các phụ huynh, học sinh về rủi ro đuối nước.
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về PCĐN trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước lũ; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCĐN cho người dân và trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra TNĐN hoặc có nguy cơ xảy ra TNĐN để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Xây dựng và hoàn thiện phương án huy động lực lượng phương tiện đảm bảo an toàn, khắc phục thiệt hại TNĐN; kịp thời cập nhật, truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết nguy hiểm đến các cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở hoạt động về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí trong môi trường nước tại địa phương. Cần chú trọng, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn, tìm kiếm cứu nạn của tổ chức, cơ sở kinh doanh liên quan đến các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trong môi trường nước; có biện pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn.
Đài PT&TH tỉnh, Báo Hòa Bình tăng cường thời lượng phát các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; yêu cầu các đài địa phương tiếp sóng chương trình dự báo thời tiết của Đài tỉnh để người dân địa phương nắm bắt tình hình, phòng tránh thiên tai. Đặc biệt là các thông điệp truyền thông về PCĐN trẻ em.
Các địa phương thực hiện trực ban nghiêm túc 24/24h, đôn đốc nắm bắt tình hình, sự cố khi có thiên tai xảy ra...
H.L (TH)