Triển khai cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp sau lũ lụt ở Triệu Phong

Vừa qua, tình trạng mưa lũ kéo dài trên diện rộng khiến cho khối lượng lớn cát theo nước tràn về bồi lấp nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Phong. Thực tế này đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho sản xuất nông nghiệp nơi đây trong thời gian tới, đặc biệt vụ đông xuân 2020 - 2021 đang đến rất gần.

 Nhiều diện tích đồng ruộng ở Triệu Phong bị cát bồi lấp sau lũ lụt - Ảnh: N.T

Nhiều diện tích đồng ruộng ở Triệu Phong bị cát bồi lấp sau lũ lụt - Ảnh: N.T

Xã Triệu Giang nằm ở ven sông Thạch Hãn. Trong các đợt mưa lũ vừa qua, nước sông chảy rất mạnh, đất cát từ thượng nguồn đổ về khiến cho trên 20 ha đất sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã nơi đây bị bồi lấp với độ dày bình quân từ 0,5 - 1 m. Đặc biệt, tại HTX Trà Liên Tây có 16 ha đất trồng lúa 2 vụ bị cát bồi lấp, điểm nặng nhất có độ dày từ 0,7 - 1 m. Đồng ruộng bị biến thành bãi cát, hàng trăm hộ dân lo lắng, chưa biết xử lý như thế nào với khối lượng cát khổng lồ để tiến hành sản xuất khi vụ đông xuân đang cận kề.

Gia đình ông Cao Hữu Vỵ ở thôn Trà Liên Đông có gần 2 sào đất trồng lúa ở vùng Nấc Thang, HTX Trà Liên Đông. Trong tháng 10 vừa qua đã có 3/5 đợt lụt khiến nước sông dâng cao trên mặt ruộng. Cứ sau mỗi đợt nước rút, ruộng của gia đình ông và người dân lân cận lại bị bồi dày thêm một lớp cát. Nhìn thửa ruộng màu mỡ trước đây bị biến thành vùng cát, ông Vỵ không khỏi xót xa. Ông Vỵ cho biết: “Sau các đợt lũ lụt, độ dày cát bồi lấp trên các thửa ruộng quá cao. Với sức người, chúng tôi không thể cải tạo được đất và rất lo lắng nếu tiến hành gieo cấy thì lúa không thể phát triển được. Do đó, chúng tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ thêm về máy móc, nhân lực để kịp thời cải tạo đồng ruộng, phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân tới”.

Không chỉ tại xã Triệu Giang, sau các trận lũ lụt vừa qua, hiện tượng đất cát bồi lấp diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các cánh đồng của huyện Triệu Phong. Tổng diện tích bị cát bồi lấp toàn huyện khoảng 220 ha, tập trung nặng nhất ở các xã ven sông như Triệu Hòa 47 ha, Triệu Long 31,8 ha, Triệu Thượng 82 ha... Bề dày cát bồi lấp bình quân từ 0,3 - 0,5 m, một số điểm bị ảnh hưởng nặng có độ dày lên tới 0,7 - 1,2 m. Giám đốc HTX Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa Nguyễn Thương cho biết: “Lâu nay chúng tôi cũng mong muốn có đợt lụt nhỏ để bồi đắp phù sa, tiêu diệt sâu bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử vừa rồi đã gây thiệt hại quá nặng về sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Đồng ruộng bị cát bồi lấp quá nhiều, chúng tôi động viên nhau cố gắng cải tạo, khắc phục để sản xuất, không thể để ruộng đất bỏ hoang nhưng chắc chắn hiệu quả mang lại rất thấp”.

Để khôi phục sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, việc cải tạo diện tích bị cát bồi lấp là vấn đề cấp bách được các địa phương và ngành chức năng huyện Triệu Phong đặc biệt quan tâm. Trong đó, giải pháp trước mắt được đặt ra là san gạt, cải tạo lại mặt ruộng để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để có được những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu như nguyên trạng ban đầu, không phải là chuyện ngày một ngày hai. Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng Lê Ngọc Dũng cho biết: “Xã Triệu Thượng có diện tích đất nông nghiệp bị cát bồi lấp lớn nhất huyện với khoảng 82 ha. Trong đó, có hơn 7 ha đất trồng lúa và 75 ha đất trồng màu. Các thôn bị thiệt hại nhiều nhất như Trấm, Tân Xuân, Thượng Phước…

Do địa hình cao, nếu không có biện pháp cải tạo hiệu quả, kịp thời xã sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Việc cải tạo, khôi phục đất sản xuất đang là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương. Qua khảo sát, xã đưa ra một số giải pháp trước mắt như đối với những diện tích đất nông nghiệp có độ dày bồi lấp dưới 0,25 m thì vận động người dân tập trung nhân lực cải tạo để canh tác, sản xuất. Đối với những diện tích bồi lấp dày từ 0,3 m trở lên sẽ thống kê, báo cáo UBND huyện, đề nghị hỗ trợ một phần nguồn lực, kinh phí để tiến hành khắc phục, cải tạo. Tuy nhiên, trong quá trình bốc dỡ cát để cải tạo, san gạt sẽ gặp một số khó khăn vì hiện nay một số vùng có diện tích bồi lấp lớn giao thông đi lại đang bất lợi, không thể vận chuyển cát ra khỏi địa bàn. Trước mắt chúng tôi đang trưng dụng một số diện tích đất sản xuất của người dân để tập kết; chờ thời tiết, giao thông thuận lợi sẽ thực hiện việc khôi phục cải tạo bài bản hơn”.

Vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 đang đến gần. Tuy nhiên, với tình trạng cát bồi lấp nghiêm trọng như hiện nay chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong khâu cải tạo, làm đất sản xuất. Để sẵn sàng cho vụ mới, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân cần phát huy tính chủ động, tương thân tương ái hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả thiên tai, san gạt đất cát, vệ sinh đồng ruộng, làm đất để kịp thời xuống giống theo đúng khung lịch thời vụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: Hiện nay huyện đã khảo sát và thống kê tình hình cát bồi lấp đất nông nghiệp để báo cáo UBND tỉnh. Đối với những vùng bị vùi lấp mức độ dày, UBND huyện sẽ cân đối ngân sách để hỗ trợ người dân về phương tiện máy móc bốc dỡ, giải phóng đất ruộng để sản xuất. Hạn chế thấp nhất tình trạng người dân bỏ ruộng hoang vì không sản xuất được do cát vùi lấp. Đối với những vùng bị vùi lấp từ 0,2 - 0,3 m, giao trách nhiệm cho các hợp tác xã, người dân và chính quyền địa phương huy động lực lượng để cải tạo, khắc phục. Đối với những vùng bồi lấp quá dày, khó khăn cho việc tưới nước, thì phải có biện pháp dùng các trạm bơm di động để phục vụ tưới, phấn đấu hoàn thành sớm việc cải tạo đất để vụ sản xuất đông xuân diễn ra đúng tiến độ.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153142