Triển khai Chỉ số Xanh cấp tỉnh: Cần sự chủ động, sáng tạo của địa phương
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.. .
Vai trò của địa phương là thiết yếu
Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu được giới thiệu trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số PGI cung cấp thông tin đầu vào phục vụ hoạch định chính sách ở cấp TW và địa phương, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của DN.
Phát biểu tại Hội thảo Vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với BVMT và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) do VCCI, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng đã được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao.
“Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (BVMT)…”- Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu net-zero, tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, DN và cộng đồng, trong đó vai trò của địa phương là thiết yếu.
Chỉ số PGI gồm 04 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ DN trong BVMT.
“Nếu chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh thì chỉ số PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh…”- ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Nhiều mô hình, cách làm hay…
Từ thực tế địa phương, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đánh giá cao sáng kiến Chỉ số PGI của VCCI. “Đây là sáng kiến không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở địa phương, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế xã hội, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của DN, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và trên thế giới…”- ông Giang khẳng định.
Theo Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc BVMT trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế xã hội vững mạnh và văn minh.
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Phúc đã vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (trong đó xếp thứ 9/63 về chỉ số xanh PGI) do VCCI bình chọn.
“Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh và cũng là động lực to lớn để Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với BVMT…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang khẳng định.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như những bài học về phát triển xanh của địa phương mình như: Quảng Ninh với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa);Thừa Thiên Huế với chuyển đổi kinh tế xanh thông qua thực hiện phát triển thành phố xanh và bền vững; Hải Phòng với thúc đẩy thực hành xanh; Bắc Giang với chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong BVMT; Bắc Ninh với nỗ lực và hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới quản trị…
Thông qua hội thảo, các cơ quan, tổ chức, DN đã trao đổi đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới phát triển bền vững, các quy định, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế gắn với BVMT thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững của mỗi địa phương và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26…