Triển khai Chiến dịch toàn cầu, WCO thu giữ hàng vạn cá thể động vật hoang dã

Một chiến dịch toàn cầu do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) phối hợp thực hiện đã thu giữ gần 20 nghìn động vật sống, tất cả đều được phân loại là loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc được bảo vệ.

Tổng cộng 2.213 vụ bắt giữ trên toàn cầu trong gần 1 tháng

Chiến dịch mang tên "Thunder 2024" nhắm mục tiêu vào các mạng lưới tội phạm liên quan đến buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm lâm nghiệp.

Kết quả từ việc triển khai Chiến dịch Thunder 2024. Nguồn: WCO.

Kết quả từ việc triển khai Chiến dịch Thunder 2024. Nguồn: WCO.

Theo WCO, Chiến dịch diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 6/12/2024 với sự tham gia của các công chức cơ quan hải quan, cảnh sát, kiểm soát biên giới, lâm nghiệp và động vật hoang dã từ 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. WCO và INTERPOL cùng đánh giá đây là chiến dịch bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay.

Với mục đích đáp ứng nhu cầu thị trường về thực phẩm, dược liệu, đồ xa xỉ, đồ sưu tầm, thú cưng và động vật chọi, các mạng lưới tội phạm đã buôn bán trái phép các loài động thực vật được bảo vệ theo Công ước CITES.

Trong Chiến dịch, các cơ quan chức năng của các nước đã triệt phá 6 mạng lưới xuyên quốc gia và bắt giữ 365 nghi phạm.

Theo thống kê của Chiến dịch Thunder 2024, các loài động vật sống được giải cứu bao gồm mèo lớn, chim, tê tê, linh trưởng và bò sát, kết quả từ tổng cộng 2.213 vụ bắt giữ trên toàn cầu.

Trong trường hợp cần thiết, các chuyên gia pháp y về động vật hoang dã đã thu thập mẫu DNA trước khi chuyển động vật đến các trung tâm bảo tồn, nơi sức khỏe của chúng được đánh giá trong khi chờ hồi hương hoặc phục hồi, theo các khuôn khổ và giao thức quốc gia liên quan. Việc thu thập DNA này rất quan trọng trong việc hỗ trợ việc truy tố, xác nhận loại loài và nguồn gốc của động vật, làm sáng tỏ các tuyến đường buôn bán mới và xác định các xu hướng mới nổi.

Ông Ian Saunders - Tổng thư ký WCO tuyên bố: “Chiến dịch Thunder tiếp tục làm sáng tỏ một loại tội phạm mà thường không được các nhân viên thực thi ưu tiên. Thông qua những nỗ lực phối hợp, chúng tôi đã thiết lập các cơ chế hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và tình báo, và chúng tôi đã tinh chỉnh các chiến lược thực thi của mình. Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn là một hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận cao và diễn ra nhanh chóng, gây ra những hậu quả tàn khốc. WCO vẫn cam kết hỗ trợ các cơ quan Hải quan thành viên và đối tác của mình để chống lại tội phạm nghiêm trọng này một cách hiệu quả.”

Hải quan Indonesia đã bắt giữ các loài linh trưởng sống được giấu trong hành lý hành khách tại sân bay sau khi soi chiếu. Nguồn: WCO.

Hải quan Indonesia đã bắt giữ các loài linh trưởng sống được giấu trong hành lý hành khách tại sân bay sau khi soi chiếu. Nguồn: WCO.

Hơn 100 công ty tham gia vào hoạt động buôn bán

Ngoài các động vật sống, các nước tham gia Chiến dịch còn tịch thu hàng trăm nghìn bộ phận và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, cây cối, sinh vật biển và động vật chân đốt được bảo vệ.

WCO cho biết, các vụ bắt giữ liên quan đến gỗ chiếm phần lớn nhất trong tổng số, chủ yếu xảy ra trong các lô hàng container vận chuyển bằng đường biển, trong khi hầu hết các vụ bắt giữ liên quan đến các hàng hóa khác diễn ra tại các sân bay và trung tâm xử lý thư tín.

Các cơ quan chức năng cũng đã điều tra các hoạt động buôn bán trực tuyến, phát hiện các nghi phạm sử dụng nhiều hồ sơ và tài khoản được liên kết trên các nền tảng truyền thông xã hội và thị trường khác nhau để mở rộng phạm vi tiếp cận.

Trong phạm vi Chiến dịch Thunder, các cơ quan chức năng đã xác định được hơn 100 công ty tham gia vào hoạt động buôn bán các loài được bảo vệ.

Ông Valdecy Urquiza - Tổng thư ký INTERPOL cho biết thêm: Các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang thu lợi từ nhu cầu về các loài thực vật và động vật quý hiếm, khai thác thiên nhiên để thúc đẩy lòng tham của con người.

Hậu quả của việc này là thúc đẩy sự suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy cộng đồng, góp phần vào biến đổi khí hậu, và thậm chí gây ra xung đột và bất ổn.

Tội phạm môi trường đặc biệt mang tính hủy diệt và INTERPOL sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác, cam kết bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Các vụ bắt giữ lớn được ghi nhận:

* Indonesia: 134 tấn gỗ được vận chuyển đến châu Á bằng đường biển.

* Kenya: 41 tấn gỗ quý hiếm được vận chuyển đến châu Á bằng đường biển.

* Nigeria: 4.472 kg vảy tê tê.

* Thổ Nhĩ Kỳ: Phát hiện 6.500 loài chim biết hót còn sống trong một cuộc kiểm tra xe tại biên giới Syria.

* Ấn Độ: 5.193 con rùa cảnh tai đỏ còn sống được giấu trong vali của hành khách đến từ Malaysia tại Sân bay Chennai.

* Peru: 3.700 loài thực vật được bảo vệ bị chặn trên đường vận chuyển từ Ecuador.

* Qatar: Phát hiện tám sừng tê giác trong hành lý của một nghi phạm khi đang quá cảnh từ Mozambique đến Thái Lan.

* Hoa Kỳ: 1 tấn hải sâm, được coi là một loại hải sản ngon, được buôn lậu từ Nicaragua.

* Hồng Kông, Trung Quốc: 973 kg vây cá mập khô có nguồn gốc từ Maroc bị thu giữ tại sân bay.

* Cộng hòa Séc: 8 cá thể hổ, tuổi từ hai tháng đến hai năm, được phát hiện tại một cơ sở chăn nuôi bất hợp pháp.

* Indonesia: 846 mảnh da trăn lưới, của loài rắn dài nhất thế giới, được giấu trên tàu.

* Úc và Vương quốc Anh: các vụ tịch thu mật gấu, loại thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền.

* Hơn 300 vũ khí, xe và thiết bị săn trộm bị tịch thu.

Nguồn: WCO

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-chien-dich-toan-cau-wco-thu-giu-hang-van-ca-the-dong-vat-hoang-da-170254.html