Triển khai chính sách phát triển thủy sản: Vẫn còn nhiều việc phải làm

Thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Từ khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Phú Yên có 19 tàu cá được đóng mới, một số cơ sở hạ tầng nghề cá cũng được đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, ngoài một số tồn tại trong vấn đề vay vốn, bảo hiểm, chất lượng tàu cá, thì hiện nay đang phát sinh vấn đề nợ quá hạn do ngư dân làm ăn không hiệu quả.

Nhiều vướng mắc

Theo Sở NN-PTNT, từ khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Phú Yên có 19 tàu cá được đóng mới (4 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ composite), 5 tàu được nâng cấp với tổng số tiền vay khoảng 281,7 tỉ đồng. Ngoài ra, thực hiện chính sách này ở Phú Yên còn có 38 lượt chủ tàu vay vốn lưu động với số tiền hơn 8,5 tỉ đồng.

Đối với việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, tỉnh đã phê duyệt tạm ứng kinh phí để chi trả phí bảo hiểm với số tiền hơn 21,6 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho khoảng 1.195 tàu với số tiền gần 18,8 tỉ đồng và hỗ trợ bảo hiểm cho hơn 9.470 thuyền viên với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng. Tỉnh đã tổ chức đào tạo cho khoảng 430 ngư dân là thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 với kinh phí hỗ trợ hơn 730 triệu đồng bằng nguồn ngân sách chương trình đào tạo nghề nông thôn…

Ngư dân Huỳnh Tấn Anh, chủ tàu cá PY99669TS ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Gia đình tôi được Nhà nước cho vay đóng mới tàu cá vỏ composite công suất 800CV với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ khai thác. Từ khi hạ thủy (cuối năm 2017) đến nay, nhiều chuyến biển thành công, nhờ vậy mà gia đình tôi có tiền trả nợ vay ngân hàng. Khó khăn nhất hiện nay là các chủ tàu phải tự mua bảo hiểm với số tiền hơn 100 triệu đồng/năm. Một khó khăn khác đó là đội ngũ thuyền viên thiếu ổn định, vì khi ra khơi không gặp luồng cá, khai thác kém hiệu quả thì anh em thợ bạn sẽ chuyển sang các tàu cá khác nếu chủ tàu không có hỗ trợ cho thuyền viên…

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong 19 tàu cá được đóng mới, đến nay có 2 tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả và ngân hàng đã thu hồi để bán đấu giá, nguyên nhân là một chủ tàu bị chết và một chủ tàu bị tai nạn lao động trên biển nên không thể điều khiển con tàu đi khai thác. Phú Yên hiện có 31 tàu dịch vụ hậu cần cho tàu khai thác vùng khơi nhưng do chưa đáp ứng điều kiện về công suất tàu đạt từ 400CV trở lên nên không thể thực hiện hỗ trợ chi phí vận chuyển theo Nghị định 67.

Đối với một số tàu vỏ thép, đơn vị đã có hướng dẫn nhưng khi tổ chức duy tu, sửa chữa, lập hồ sơ chứng từ chưa đúng nên chưa xem xét hỗ trợ kinh phí được. Một thực trạng hiện nay ở tỉnh ta là nhiều tàu cá được ngư dân đầu tư rất hiện đại nhưng thuyền trưởng, thuyền viên không ổn định, thiếu lao động và yếu tay nghề nên một số tàu hoạt động chưa hiệu quả, trả nợ vay ngân hàng không đúng hạn.

Theo các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67, việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn do ngư dân và một số cơ quan không phối hợp, trong khi đó công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho các tàu vay do rủi ro cao, dẫn đến khó khăn cho chủ tàu khi đầu tư và khai thác…

Cần đầu tư đồng bộ

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên đã đăng ký Trung ương hỗ trợ đầu tư 17 dự án đầu tư công theo Nghị định 67 với tổng nhu cầu vốn khoảng 936 tỉ đồng. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã hỗ trợ đầu tư 3 dự án (dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác; dự án Trung tâm Giống thủy sản nước mặn tỉnh Phú Yên; dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Long Thạnh) với tổng vốn đầu tư hơn 215,7 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ hơn 136,8 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đối với các dự án Phú Yên đã đăng ký trung ương, do nguồn vốn lớn nên tỉnh chưa đủ khả năng cân đối vốn cho các dự án này, do vậy hạ tầng nghề cá của Phú Yên vẫn còn nhiều bất cập. Phú Yên kiến nghị trung ương tiếp tục xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án phát triển thủy sản theo đề xuất của tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án nuôi biển.

Tỉnh đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 dự án trình Bộ NN-PTNT gồm dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch và dự án Cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên với nhu cầu vốn khoảng 375 tỉ đồng để tạo điều kiện phát triển bền vững 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.

Theo quy định, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020. Nhưng đến nay, việc lắp đặt thiết bị hành trình này đối với tàu cá ở Phú Yên vẫn chưa hoàn tất. Một trong những trở ngại lớn nhất là kinh phí lắp đặt khá lớn nên gây khó khăn cho chủ tàu…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Phú Yên sẽ áp dụng giám sát hành trình tàu cá bằng thuê bao di động và đã chuẩn bị xong đề án hỗ trợ thuê bao để quản lý hành trình tàu cá, sẽ trình HĐND tỉnh sắp tới. Theo đề án này, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để quản lý tàu cá qua mạng di động từ vệ tinh vinasat nhằm giảm thiểu kinh phí lắp đặt thiết bị quản lý hành trình cho ngư dân. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng là một trong những trọng tâm phải thực hiện trong thời gian tới.

Đối với các tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 khai thác hải sản trên các vùng biển xa thường xuyên không về bến trên địa bàn tỉnh trong thời gian dài mà không thực hiện trách nhiệm hợp đồng trả lãi vay ngân hàng theo quy định, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tham mưu, đề xuất văn bản cho tỉnh chỉ đạo thực hiện, trường hợp cần thiết thì thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá không chấp hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236020/trien-khai-chinh-sach-phat-trien-thuy-san--van-con-nhieu-viec-phai-lam.html