Triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập
BHG - Sáng 20.12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN). Đồng chí Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành phố.
Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có nhiều quy định mới về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Một trong những điểm mới quan trọng là quy định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thay vì kê khai TSTN trong các văn bản trước đây. Nội dung quy định trong 4 tiểu mục và 29 điều của Luật PCTN năm 2018 về đối tượng phải kê khai, loại TSTN phải kê khai, phương thức, thời điểm kê khai, xác minh TSTN cho đến việc thiết lập hệ thống cơ quan kiểm soát TSTN và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN đã hình thành nên cơ chế kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. Hướng dẫn thực hiện quy định của Luật PCTN năm 2018 về kiểm soát TSTN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130, ngày 30.10.2020 về việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thực hiện Luật PCTN năm 2018, đến nay, toàn quốc có trên 1,4 triệu người kê khai TSTN. Trong đó, 54 người bị xử lý vi phạm do kê khai TSTN không trung thực. Thông qua kiểm soát TSTN đã giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc TSTN tăng thêm của người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành biện pháp kiểm soát TSTN thời gian qua theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130 của Chính phủ còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành biện pháp kiểm soát TSTN, chủ yếu tập trung vào việc thực hiện kê khai, xác minh TSTN. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập liên quan đến kiểm soát TSTN như: Hoàn thiện các chế tài xử lý việc kê khai TSTN không trung thực; ban hành quy trình kê khai, xác minh TSTN thống nhất trong cả nước; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm phổ biến, hướng dẫn người kê khai thực hiện kê khai TSTN; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm soát TSTN; công khai bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai...
Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã trả lời, làm rõ thêm những nội dung thuộc thẩm quyền mà đại biểu quan tâm. Đối với những nội dung ngoài thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm phát huy hiệu quả công tác kiểm soát TSTN, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.