Triển khai công tác xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử năm 2020

Sáng 12/2, phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương đã được tổ chức.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Đây là phiên họp nhằm đánh giá kết quả công tác xây dựng chính phủ điện tử năm 2019, triển khai nhiệm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính quyền điện tử chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí: Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và tổ công tác giúp việc.

Thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 07/3/2019 của Chính phủ về "một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triểnChính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025", các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm quyết liệt, qua đó góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử.

Đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành góp phần chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hạn chế việc đầu tư dàn trải, tăng cường quản lý nhà nước, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% (năm 2018) lên 86,5% (năm 2019), rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm với tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019.

Tuy nhiên qua gần 1 năm triển khai, vẫn còn một số tồn tại cần có giải pháp khắc phục như: các Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐTchưa được ban hành, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như về Dân cư và Đất đai chưa được hình thành.

Vẫn còn trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện các phương thức truyền thống.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số. Mục tiêu là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tăng cường sự tham gia của người dân vào công việc quản lý của nhà nước và quản trị xã hội.

Vì vậy, để thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử hiệu quả trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 17.

Trong đó, tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Hoàn thiện các hệ thống tạo nền tảng, đảm bảo nguồn tài chính, đề cao vai trò người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng chính phủ điện tử phải gắn với xây dựng, sắp xếp bộ máy tin gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, gắn với cải cách hành chính, tinh giảm biến chế và tiết kiệm chi phí. Phải tăng cường truyền thông,đào tạo nguồn nhân lực và bảo đảm an toàn, an ninh mạngnhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn...

Mai Lan- Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-cong-tac-xay-dyng-chinh-phu-dien-tu-chinh-quyen-dien-tu-nam-2020-20200212035747997p12c16.htm