Triển khai đề án 06: Thay đổi lề lối làm việc cán bộ, tiết kiệm chi phí cho dân

Kết quả triển khai đề án 06 của TP.Hà Nội có nhiều tác động tích cực, từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý, thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức…

Ngày 28.6 diễn ra hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của đề án 06 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6.1.2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia thời kỳ 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.

Sơ kết đề án 06 của TP.Hà Nội

Sơ kết đề án 06 của TP.Hà Nội

Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết TP.Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đến tất cả các lãnh đạo đơn vị, địa phương ở cả 4 cấp.

Hà Nội cũng đã chủ động nhận diện các điểm nghẽn trong triển khai những vướng mắc, quy định trong vấn đề đầu tư công nghệ để phục vụ chuyển đổi số; chủ động thực hiện các phương án phê duyệt, bổ sung công nghệ thông tin. Đây cũng là một điểm đột phá của thành phố và được Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành sửa đổi các quy định còn chồng lấn.

Bộ trưởng Quang cũng cho rằng Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo. HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết với 82 thủ tục hành chính có mức thu bằng 0; 19 mô hình điểm đã đạt được những kết quả tích cực như sổ sức khỏe điện tử; phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế; triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu

“Các kết quả trên của TP.Hà Nội đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của TP và các giá trị hiệu quả của đề án đã mang lại hiệu quả từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp”, ông Quang nêu.

Tại hội nghị, ông Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao hơn nữa, kịp thời tháo gỡ công việc, những vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, cần nghiên cứu những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện 19 nhiệm vụ như: Thu phí "0 đồng", thuê dịch vụ công nghệ thông tin, lựa chọn, xây dựng kế hoạch và có lộ trình chi tiết để tổ chức triển khai phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực...

Cần tập trung đẩy mạnh chỉ đạo công tác số hóa tài liệu quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân gắn với những điều chỉnh quy trình nghiệp vụ ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. “Tại một số bộ ngành, địa phương, nhiều loại dữ liệu chưa được số hóa đầy đủ, quy trình chưa được cải tiến, công dân vẫn phải xuất trình giấy tờ giấy, bản sao công chứng”, ông Quang nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người". Do đó, Thủ tướng kêu gọi cả nước, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng cho hay hiện nay Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, UBND TP.Hà Nội khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch thủ đô cần có "tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy thủ đô và hành động Hà Nội". Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số…

Thời gian tới, cho biết một số văn bản pháp lý chuẩn bị được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc về cơ sở pháp lý, tài chính, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương, các cơ quan trên cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã làm là có kết quả", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả đề án 06.

Thủ tướng yêu cầu, với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội phải là địa phương đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu

Đặc biệt, phải bám sát vào những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của đề án 06 là "Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số".

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Hà Nội cam kết hành động một cách quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trien-khai-de-an-06-thay-doi-le-loi-lam-viec-can-bo-tiet-kiem-chi-phi-cho-dan-218926.html