Triển khai Đề án 'Cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét' trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1548/KH-UBND, ngày 27/5/2025 về triển khai thực hiện Đề án 'Cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét' trên địa bàn tỉnh.

Thành phố là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt.

Thành phố là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt.

Để giao trách nhiệm, nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện, tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

1. Điều tra, đánh giá, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất đá, lũ quét trên địa bàn; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất đá, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn (1:5000, 1:2.000) cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất đá, lũ quét trên địa bàn tỉnh.

a) Khu vực nguy cơ cao cần thực hiện điều tra, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất, lũ quét để lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do cấp tỉnh thực hiện, gồm 47 khu vực, trong đó: huyện Bảo Lạc 8 khu vực; huyện Bảo Lâm 6 khu vực; huyện Hạ Lang 2 khu vực; huyện Hà Quảng 7 khu vực; huyện Hòa An 5 khu vực; huyện Nguyên Bình 5 khu vực; huyện Quảng Hòa 3 khu vực; huyện Thạch An 3 khu vực; thành phố Cao Bằng 1 khu vực; huyện Trùng Khánh 7 khu vực.

b) Khu vực (vị trí/điểm) cần rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin lên bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do địa phương, người dân thực hiện

2. Tiếp nhận và quản lý, sử dụng các sản phẩm của Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện và chuyển giao; tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức trong công tác phòng, tránh sạt lở đất đá, lũ quét.

3. Quản lý, khai thác, cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về sạt lở đất đá, lũ quét trên địa bàn cho Hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét theo thời gian thực trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân chủ động cung cấp thông tin về sạt lở đất đá, lũ quét.

4. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét; kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo tại những khu vực sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét; lồng ghép bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở đất đá, lũ quét vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian thực hiện: từ năm 2025 đến năm 2030. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phu luc kem theo ke hoach.pdf

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trien-khai-de-an-canh-bao-som-sat-lo-dat-da-lu-quet-tren-dia-ban-tinh-3177505.html