Triển khai Đề án phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn 2023-2030

Trước đòi hỏi cấp thiết của thực tế trong việc đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, phù hợp với chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Quyết định ban hành Đề án Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.

Tỉnh Bắc Giang cần tập trung đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, thế mạnh của tỉnh như điền kinh, đá cầu, cầu lông, vật..

Tỉnh Bắc Giang cần tập trung đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, thế mạnh của tỉnh như điền kinh, đá cầu, cầu lông, vật..

Đề án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo bước đột phá trong công tác tuyển chọn, huấn luyện, tập huấn và thi đấu. Tiếp tục tập trung đầu tư các môn thể thao thế mạnh của tỉnh, đồng thời nghiên cứu để phát triển mới một số môn thể thao có tiềm năng trong hệ thống thi đấu tại Thế vận hội (Olympic), Đại hội Thể thao Châu Á (Asiad), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao toàn quốc và các giải trẻ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Mục tiêu đặt ra là đến giai đoạn 2024 - 2026, tỉnh Bắc Giang hình thành và ổn định hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh theo 4 tuyến: Học sinh năng khiếu thể thao (NKTT), đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh với số lượng từ 500 - 550 VĐV và trên 100 học sinh NKTT. Hàng năm, tham gia thi đấu giành từ 200 - 230 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15-20 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 50 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - 2026 phấn đấu đứng từ 15 - 17/65 tỉnh, thành, ngành về tổng sắp huy chương và xếp vị trí thứ nhất các tỉnh miền núi toàn quốc.

Giai đoạn 2027- 2030, tiếp tục duy trì phát triển các môn thể thao thế mạnh giai đoạn trước, duy trì hệ thống đào tạo VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT từ 550 - 600 VĐV và gần 200 học sinh NKTT cơ sở. Hàng năm tham gia thi đấu giành từ 220 - 250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế, đóng góp từ 20-25 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia; có từ 70 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030 phấn đấu trong tốp 15 các tỉnh, thành phố và ngành tham dự Đại hội trong bảng tổng sắp huy chương và tiếp tục xếp thứ nhất các tỉnh miền núi.

Một số giải pháp được Đề án đưa ra là sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù đãi ngộ đối với HLV, VĐV giành được huy chương Olympic, Asiad, SEA Games; ưu tiên cao đối với các môn thể thao trọng điểm; ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng vào biên chế đối với HLV, VĐV đạt thành tích cao.

Đẩy mạnh xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh phát triển thế thao quần chúng; hàng năm tổ chức từ 20-25 giải thể thao cấp tỉnh trong đó có các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh phù hợp với với lứa tuổi tuyển chọn những môn hiện đang đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT.

Đối với thể thao thành tích cao, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển chọn, ổn định mô hình đào tạo VĐV thể thao thành tích thể thao theo 4 tuyến để bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và lâu dài

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/the-thao/416591/trien-khai-de-an-phat-trien-the-thao-thanh-tich-cao-giai-doan-2023-2030.html