Triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp

BĐBP Cà Mau quản lý 254km bờ biển, khu vực biên giới biển có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển; vùng biển rộng khoảng 80.000km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Đây là một trong 4 ngư trường khai thác hải sản trọng điểm của cả nước với lưu lượng tàu cá hoạt động khai thác hải sản tương đối lớn. Theo thống kê đến ngày 28/3/2023, trên địa bàn có 4.303 tàu cá khai thác hải sản, trong đó, 1.570 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ngoài ra, có khoảng trên 1.500 tàu cá của các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... thường xuyên đến khai thác hải sản trên vùng biển Cà Mau.

Đảng viên Đồn Biên phòng Khánh Hội tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh trao đổi với các đảng viên trong chi bộ để có giải pháp vận động ngư dân tại địa phương không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Lê Khoa

Đảng viên Đồn Biên phòng Khánh Hội tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh trao đổi với các đảng viên trong chi bộ để có giải pháp vận động ngư dân tại địa phương không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Lê Khoa

Thời gian qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân về các quy định chống khai thác IUU, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tàu cá trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau cho biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch, công văn để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đến các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Trong đó, tập trung duy trì công tác kiểm soát Biên phòng; tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tổ chức tuần tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động khai thác hải sản…

Theo Thượng tá Phùng Đức Hưng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp công tác nắm và đánh giá sát, đúng tình hình liên quan đến hoạt động tàu cá vi phạm khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và địa phương thường xuyên cập nhật, thống kê nắm chắc tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn.

Tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu cá thuộc nhóm có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài như: Phương tiện đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển; phương tiện mất kết nối tín hiệu thiết bị giám sát hành trình (VMS) dài ngày (trên 10 ngày) trên biển… Các trạm kiểm soát Biên phòng duy trì nghiêm ngặt công tác đăng ký, quản lý tàu cá trên phần mềm kiểm soát tàu cá, cập nhật thông tin, dữ liệu tàu cá vào phần mềm liên thông quản lý tàu cá.

Trong thời gian cao điểm quý I/2023, BĐBP Cà Mau đã tăng cường lực lượng nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình và quản lý chặt chẽ các đối tượng, đường dây trên địa bàn có nghi vấn liên quan đến hoạt động môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài để giáo dục, răn đe, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, nhờ duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp với Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát Biển 4, Hải đoàn Biên phòng 28; BĐBP các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... và các sở, ngành tại địa phương, BĐBP Cà Mau đã trao đổi và xác minh thông tin liên quan đến 12 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phục vụ hiệu quả trong công tác điều tra và xử lý vi phạm.

Cũng trong quý I/2023, các đơn vị thuộc BĐBP Cà Mau đã chủ động thực hiện công tác rà soát, điều tra, cập nhật, bổ sung, đăng ký, thống kê tàu cá khai thác hải sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ tàu cá đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển, lập danh sách quản lý 547 tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU. Đồng thời, kiểm soát 17.269 lượt tàu cá với 78.268 lượt thuyền viên xuất nhập bến đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. Qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý 3 vụ với 9 trường hợp thiếu thủ tục, giấy tờ theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau và các đơn vị cơ sở duy trì giám sát 24/24 giờ đối với hệ thống giám sát hành trình tàu cá, kịp thời phát hiện, cảnh báo 22 tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài, thông báo và kêu gọi 9 tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam; phối hợp xác minh 112 tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS trên 10 ngày.

Hiện nay, 2 đồn Biên phòng Sông Đốc và Rạch Gốc phân công 2 cán bộ phối hợp với Văn phòng đại diện IUU tại cảng cá Sông Đốc và Rạch Gốc tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc cập cảng, rời cảng và truy xuất nguồn gốc hải sản trên địa bàn.

Quyết tâm cùng với ngành thủy sản gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, các đơn vị thuộc BĐBP Cà Mau duy trì quân số, phương tiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tàu, cảng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trien-khai-dong-bo-cac-bien-phap-ngan-chan-ngu-dan-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post460555.html