Triển khai đồng bộ chiến dịch về công tác dân số
Phụ nữ xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) được cán bộ y tế xã tư vấn, phát thuốc trong chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đang diễn ra tại xã. Ảnh: KIM CHI
Sau một thời gian dài chung tay cùng các cấp ngành, đơn vị phòng chống dịch COVID-19, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tích cực triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) và nâng cao chất lượng dân số tỉnh năm 2021.
Chiến dịch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về DS-KHHGĐ; huy động các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, góp phần thực hiện chỉ tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ năm 2021.
Ưu tiên nhiều gói dịch vụ
Phú Yên phấn đấu đến năm 2030, 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại và được hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025. Trên 95% đơn vị cấp xã tiếp tục cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố vào năm 2025...
Sau một thời gian bùng phát mạnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Trong quá trình triển khai chiến dịch, các địa phương sẽ bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND các cấp về công tác phòng chống COVID-19. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai các điều kiện về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu, đội ngũ cán bộ, đảm bảo kinh phí... đáp ứng đầy đủ các gói dịch vụ để tổ chức triển khai chiến dịch đạt kết quả cao nhất.
Chiến dịch tập trung ưu tiên các dịch vụ: gói khám và phát hiện khiếm khuyết thai nhi; gói tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, người cao tuổi; gói dịch vụ KHHGĐ, tầm soát ung thư cổ tử cung; cấp và tiếp thị xã hội các loại thuốc tránh thai gồm: uống, tiêm, cấy; khám, phát hiện và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường cho phụ nữ. “Đặc biệt, thông qua chiến dịch để cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe trước hôn nhân và phụ nữ mang thai tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh để nâng cao hiểu biết từng bước nâng cao chất lượng giống nòi”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương nhấn mạnh.
Xã An Phú (TP Tuy Hòa) là một trong những địa bàn đang triển khai chiến dịch nói trên. Chị Lương Thị Mộng Hằng, Phó Trưởng trạm Y tế xã An Phú, chia sẻ: Hiện cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên DS-KHHGĐ, nữ hộ sinh tại trạm tích cực vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia chiến dịch; tăng cường kiểm tra các chị em đang thực hiện biện pháp tránh thai, dụng cụ tử cung để tránh các tai biến, “vỡ kế hoạch”… Qua đó tạo tâm lý an tâm cho người dân khi sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần hoàn thành chỉ tiêu năm 2021 và những năm tiếp theo.
Một trong những vấn đề lo lắng về chất lượng dân số sau đợt dịch bệnh COVID-19 kéo dài là tình trạng “vỡ kế hoạch” của một số cặp vợ chồng có nguy cơ tăng, nên trong chiến dịch này, cán bộ, cộng tác viên dân số tăng cường tuyên truyền về chủ trương chính sách dân số, sinh đúng, sinh đủ 2 con để chăm sóc tốt, nâng cao chất lượng giống nòi.
Theo chị Võ Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cặp vợ chồng nghỉ việc ở nhà nên việc tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ gặp không ít khó khăn. Trong chiến dịch này, cán bộ dân số tăng cường đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động chị em KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn để không bị “vỡ kế hoạch”, sinh con ngoài ý muốn.
Chị Đỗ Thị Như Lan ở xã Hòa Đồng, nói: “Thời gian này đang triển khai chiến dịch, cán bộ dân số thường xuyên vận động chị em phụ nữ đi khám sức khỏe sinh sản, áp dụng các cách tránh thai hiện đại để không mang thai ngoài ý muốn. Nhờ vậy, chúng tôi yên tâm, không còn lo lắng nữa”.
Giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên
Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số là một hoạt động góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên và hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch trong công tác DS-KHHGĐ năm 2021. Chiến dịch được chia theo các phương án với các nội dung truyền thông tập trung vận động các cặp vợ chồng chưa có con hoặc có một con nên sinh hai con nhằm ổn định quy mô, cơ cấu dân số; đẩy mạnh các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số... Đối tượng được hỗ trợ miễn phí là những người đang thực hiện KHHGĐ và sàng lọc sơ sinh.
Theo kế hoạch, chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ tỉnh đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại và được hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025. Trên 95% đơn vị cấp xã tiếp tục cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố vào năm 2025...
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, để hoạt động chiến dịch được diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia chiến dịch, các điểm tổ chức chiến dịch phải tuân thủ các bước trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tuân thủ 5K. Chi cục DS-KHHGĐ tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chiến dịch tại các địa phương; đánh giá năng lực của cán bộ dân số đang thực hiện chiến dịch. Đồng thời chú trọng phối hợp lồng ghép với các ban ngành, đoàn thể cấp xã, thôn, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để chiến dịch đạt hiệu quả; truyền thông về chính sách dân số, chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 của tỉnh...
“Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cũng như nâng cao chất lượng các gói dịch vụ sẽ làm tăng tính hấp dẫn và nâng cao hiệu quả của chiến dịch, góp phần thiết thực đạt được các mục tiêu chiến dịch đề ra và thực hiện đạt các chỉ tiêu về dân số năm 2021”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương nhấn mạnh.
Đề xuất khuyến khích sinh đủ 2 con
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề cương Luật Dân số, trong đó có các biện pháp điều chỉnh mức sinh.
Theo đó, tại khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật Dân số nêu ra các biện pháp khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh có mức sinh thấp, như đề xuất hỗ trợ bằng tiền đối với phụ nữ sinh con thứ nhất và thứ hai tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp.
Dự thảo đề cương Luật Dân số thực hiện các biện pháp bao gồm: Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ 2, với mức dao động lương tối thiểu vùng là 3,07-4,42 triệu đồng/tháng.
Đây là lần đầu tiên chính sách dân số của Việt Nam đề xuất thực hiện “thưởng tiền” khi tỉ lệ sinh giảm tại nhiều tỉnh thành. Theo đó, việc sinh con thứ hai có thể được thưởng đến gần 9 triệu đồng. Ngoài ra, còn có một số chính sách khác như: được hỗ trợ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập. Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/267368/trien-khai-dong-bo-chien-dich-ve-cong-tac-dan-so.html