Triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành 'Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy'. Đây là pháp lệnh đầu tiên về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) ở nước ta. Và Luật PCCC năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, lấy ngày 4-10 hằng năm là 'Ngày toàn dân PCCC'.

Hưởng ứng "Ngày toàn dân PCCC" là để ngày càng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Suốt 40 năm thực hiện Pháp lệnh về PCCC và gần 20 năm từ khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và toàn dân, công tác PCCC có chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng; hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường. Việc PCCC ở nhiều nơi đã đi vào nền nếp, xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả… Những kết quả quan trọng đó làm giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, tình hình và diễn biến cháy, nổ trên phạm vi cả nước vẫn phức tạp, khó lường, tính chất đa dạng và có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2014-2019, cả nước xảy ra hơn 16.000 vụ cháy, chiếm tới 90% tổng số vụ cháy xảy ra từ năm 2002 đến 2011; trong đó có nhiều vụ cháy lớn, nghiêm trọng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chủ quan, bất cẩn của con người và chiếm tới 57% tổng số vụ cháy do không bảo đảm an toàn hệ thống điện; 29% do sơ suất khi sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt... Số vụ cháy có chiều hướng gia tăng còn do sự thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; ở nhiều nơi còn hiện tượng “khoán trắng” cho công an. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC chưa được quan tâm đúng mức; một số nơi chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở và dân phòng...

Để công tác PCCC ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, trước hết các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC"; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền luật và các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và cả hệ thống chính trị đối với công tác PCCC. Các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định PCCC. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó vai trò nòng cốt là lực lượng công an và sự chủ động tham gia tích cực của quân đội, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác PCCC.

Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các đề án quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải chú trọng tới công tác quy hoạch hạ tầng PCCC; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng lực lượng, phong trào toàn dân tham gia PCCC. Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh công tác PCCC; huy động nguồn lực của xã hội xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào PCCC. Kiện toàn và xây dựng lực lượng PCCC chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời xây dựng, huấn luyện chu đáo các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và kiêm nhiệm PCCC ở địa phương, cơ sở và phát huy "4 tại chỗ" trong PCCC. Tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra, quy trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu tổ chức, địa phương, doanh nghiệp để xảy ra cháy, nổ; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC. Chỉ khi triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt, công tác PCCC mới đạt hiệu quả toàn diện, vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/trien-khai-dong-bo-quyet-liet-cong-tac-phong-chay-chua-chay-592665