Triển khai Dự án 8 ở nơi địa đầu Tổ quốc: Có thể thấy sự thay đổi rõ ràng và cụ thể
Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và trở thành một trong những đơn vị thực hiện giải ngân Dự án 8 tốt nhất tỉnh Hà Giang, chị Nguyễn Thị Quyên đã chia sẻ những kinh nghiệm của Hội LHPN huyện Quang Bình cùng PNVN.
- Xin chị cho biết, trong thời gian qua, huyện Quang Bình đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì khi triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"?
Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.
Tại huyện Quang Bình, Dự án 8 đang tăng cường công tác tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, tiến dần tới bình đẳng giới thông qua các hoạt động của dự án, làm thế nào để cho xã hội và những người đàn ông, cộng đồng nhìn nhận vai trò của phụ nữ rõ hơn. Qua đó thì sẽ có tác động tích cực đến những người trong vùng dân tộc thiểu số.
Qua 2 năm thực hiện Dự án, Quang Bình là một trong những đơn vị giải ngân tốt nhất là tỉnh. Năm 2022, Hội LHPN huyện được cấp ngân sách là 816 triệu đồng. Năm 2023, Hội LHPN huyện được cấp 2 tỷ 197 triệu.
Bước đầu thực hiện, chúng tôi gặp phải khó khăn đó là nguồn vốn về quá chậm. Đến tháng 9/2022 nguồn ngân sách mới cấp về cho Quang Bình và yêu cầu phải giải ngân ngay và luôn trong năm. Vì vậy, chúng tôi phải đẩy 359.931.000 đồng sang năm 2023 và năm 2003 đẩy sang năm 2024 khoảng 50 triệu. Hiện nay, tính đến quý 1/2024, Quang Bình đã giải ngân được gần 500 triệu, đúng tiến độ, không để huyện, tỉnh phải nhắc nhở.
Khó khăn thứ hai chúng tôi gặp phải khi triển khai Dự án 8, là các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa rõ ràng. Ví dụ, với nội dung Thực hiện đối thoại chính sách, trong thông tư 15 của Bộ Tài chính không hề có từ "đối thoại chính sách", mà chỉ có từ "hội nghị đối thoại tư vấn", nên khi triển khai, các xã làm tổ chức đối thoại chính sách còn vướng mắc khi thực hiện phân bổ chi phí, thậm chí có những xã đã phải hoàn tiền cho kho bạc, làm lại.
Với nội dung triển khai hỗ trợ phụ nữ trong sinh kế, tại địa phương cũng có một số hạn chế. Theo hướng dẫn, nội dung này không hỗ trợ về đầu tư tư liệu sản xuất mà chỉ hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhãn mác. Trong khi đó, đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số thụ hưởng là ở vùng 3, vùng khó khăn. Chị em người dân tộc nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, chưa có sản phẩm thì không thể có thương hiệu để nhận hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác.
Tuy nhiên, trước những khó khăn đó, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành những văn bản chỉ đạo kịp thời xuống các cơ sở, nên hiện nay, việc thực hiện dự án 8 tại huyện Quang Bình đã được tháo gỡ rất nhiều.
- Là đơn vị được tỉnh Hà Giang đánh giá cao trong triển khai thực hiện Dự án 8. Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Hội LHPN huyện Quang Bình?
Để triển khai thực hiện, đặc biệt là giải ngân, trước hết, cán bộ Hội cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ nội dung các thông tư liên quan như: Thông tư 15, thông tư 55, chiếu sang thông tư 40, thông tư 36, thông tư 39, thông tư 16… Rất nhiều loại thông tư, cần phải đánh dấu để nghiên cứu, tìm hiểu.
Đối với Hội LHPN huyện Quang Bình, để tránh việc chồng chéo giữa công tác Hội và thực hiện chương trình mục tiêu, thì ngay từ đầu năm, khi mọi người còn đang du xuân, Hội LHPN đã bắt đầu làm việc. Chúng tôi tính toán để những lớp tập huấn, những chương trình cần tập trung đông người phải được tổ chức vào các thời điểm phù hợp; tránh các ngày thời vụ như: mùa gặt, tránh mùa cấy, mùa làm cỏ lạc… Nếu tổ chức chương trình vào đúng các ngày đó thì sẽ không tập hợp được bà con và không thực hiện được chương trình.
- Vậy cuộc sống phụ nữ dân tộc thiểu số có sự thay đổi như thế nào so với thời điểm trước đây, chị có thể đưa ra một vài minh chứng?
Hòa cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi. Ở huyện Quang Bình, sự thay đổi này có thể nhận thấy rõ ràng và cụ thể.
Thứ nhất ý là chị em tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nếu đến các xã vùng cao, bạn sẽ nhận thấy rất rõ ràng sự thay đổi này. Tất cả các kì cuộc, các sự kiện rất đông người, lực lượng tham gia chiếm đa số là phụ nữ và các ông chồng cũng tạo điều kiện để vợ tham gia hoạt động.
Hội LHPN chúng tôi đã làm những khảo sát rất chi tiết tại các xã như Tiên Nguyên, Xuân Minh… yêu cầu các nam giới và phụ nữ kê ra những việc mình làm từ sáng đến tối. Kết quả nhận lại, chúng tôi thống kê được, việc của chồng và vợ làm trong ngày hầu như hoàn toàn bằng nhau. Các chị chia sẻ rằng: Nếu vợ cho lợn ăn thì chồng sẽ nấu cơm, vợ giặt quần áo thì chồng sẽ tắm cho con… Mọi việc trong gia đình đều bình đẳng, không có phân biệt đối xử. Và đặc biệt, trên vùng núi cao, đồng bào Dao không ép phụ nữ sinh con trai, không ép phụ nữ sinh thêm con.
Bên cạnh đó, sự tác động của xã hội cũng như sự tác động của các ban ngành đoàn thể trong quá trình tuyên truyền vận động cũng đã có những sự thay đổi tích cực đến đời sống của người phụ nữ. Ngày nay, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng có các điều kiện để cập nhật với cuộc sống hiện đại. Chị em tại những vùng sâu vùng xa ấy đã biết đeo kính áp tròng, trang điểm làm đẹp, tham gia biểu diễn văn nghệ…
Đây là những thay đổi rất là rõ nét so với 10 năm trước, 5 năm trước. Nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt.
- Xin cảm ơn chị!