Triển khai hiệu quả chính sách xã hội
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế, gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội, gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khẳng định quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững; phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến thực hiện chính sách xã hội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách. Từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội thông qua cơ chế quản lý, cập nhật, chia sẻ dữ liệu và thông tin trên nền tảng số.
Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng, ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất. Bảo đảm người có công và gia đình người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Triển khai hiệu quả chính sách về việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tăng cường thông tin thị trường, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.
Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí của người dân cho dịch vụ y tế.
Xây dựng mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Đổi mới việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp; quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ xã hội từ thiện, nhân đạo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.