Triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Chiều 29/6, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12-KL/TW) và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026 (Nghị quyết 169/NQ-CP).

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh).

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh).

Dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của công tác này; đồng thời bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tạo sự thông suốt, nhất quán trong triển khai thực hiện giữa Trung ương và địa phương, các ngành, lĩnh vực liên quan.

Hội nghị nhằm khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

4 nhóm nhiệm vụ lớn của Kết luận 12-KL/TW

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày Báo cáo dẫn đề về một số kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua và một số điểm mới, đáng chú ý trong Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) nêu rõ, về quan điểm chỉ đạo, tại Kết luận 12-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương.

Về 6 nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận 12-KL/TW, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ lớn với những điểm mới. Cụ thể, công tác đại đoàn kết tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW chỉ rõ: Công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và chú trọng triển khai. Tuy nhiên, có nơi, có lúc, công tác này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đến Kết luận 12-KL/TW, việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm được đề cập chính thức trong văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cùng với đó, việc vận động hướng tới nhóm đối tượng kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng và những kiều bào còn định kiến. Về chủ trương, đối với những kiều bào còn định kiến, Kết luận 12-KL/TW không còn sử dụng cụm từ “mặc cảm”, đồng thời cụm từ “đồng bào Việt Nam ở nước ngoài” được sử dụng nhiều hơn.

Công tác hỗ trợ cộng đồng, bao gồm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hỗ trợ bà con giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có 3 nội dung đáng chú ý. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, việc triển khai biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hòa nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Điều này thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…

Về công tác vận động cộng đồng, bao gồm phát huy nguồn lực của kiều bào và thông tin đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, về tư duy, cần coi kiều bào vừa là đối tượng vừa là chủ thể của công tác này; về nội dung, kịp thời thông tin về tình hình đất nước, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến bà con kiều bào, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước; về phương thức, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng.

Đối với cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài, 2 nội dung đáng chú ý là: Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Hai đột phá của Nghị quyết 169/NQ-CP

Nhằm cụ thể hóa và triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP với 4 điểm đáng chú ý.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, bên cạnh việc bám sát Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW, Nghị quyết 169/NQ-CP đã bám sát, cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn” công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Về nội dung, 9 nhiệm vụ và giải pháp đã đề cập mọi mặt của công tác người Việt Nam ở nước ngoài như công tác đại đoàn kết, vận động, hỗ trợ bà con kiều bào. Phương thức chú trọng hơn việc áp dụng những thành tựu về công nghệ vào quá trình triển khai như đổi mới và đa dạng hóa việc tập hợp ý kiến đóng góp của kiều bào, linh hoạt kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến; đa dạng hóa hình thức dạy và học tiếng Việt, chú trọng hình thức trực tuyến; đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, trong đó chú trọng việc duy trì và phát triển nội dung trên nền tảng số. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ thể tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, các nhiệm vụ, giải pháp đã huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó phát huy vai trò vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của người Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai công tác vận động, tập hợp cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, dạy và học tiếng Việt, thông tin đối ngoại...

Các nhiệm vụ và giải pháp nhấn mạnh hơn việc hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác này. Nghị quyết 169/NQ-CP đã cụ thể hóa yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận 12-KL/TW về việc thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài thông qua các giải pháp hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại. Nghị quyết 169/NQ-CP tập trung vào hai đột phá trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới; đó là: Đại đoàn kết dân tộc; phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước.

Những giải pháp trong Nghị quyết 169/NQ-CP nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong Kết luận 12-KL/TW như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lực lượng thực hiện công tác ở trong và ngoài nước; tăng cường các biện pháp phát huy nguồn lực của kiều bào như trao quyền tự chủ hơn nữa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia thu hút, sử dụng nguồn chất xám kiều bào; phát huy vai trò của kiều bào trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước…

Thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng NVNONN

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh)

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh)

Tại Hội nghị, tham luận của một số ban, bộ, ngành, địa phương tập trung nêu rõ một số vấn đề trọng tâm được nêu trong Kết luận 12-KL/TW, Nghị quyết 169/NQ-CP và kế hoạch triển khai thời gian tới như: Biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy trong công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; biện pháp phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Đưa ra phương hướng để triển khai Kết luận 12, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thống nhất triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Theo đó, thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng NVNONN.

Tăng cường nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NVNONN với Đảng, Nhà nước, hỗ trợ, củng cố các hội đoàn. Đổi mới, đa dạng các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động NVNONN, thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ, tiến tới thống nhất trong nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và toàn thể các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác vận động, tập hợp, đoàn kết NVNONN.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong tiếp tục hoàn thiện và thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về NVNONN. Thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NVNONN, xứng đáng là cầu nối để tổ chức cho NVNONN tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước theo quy định.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các chủ trương, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Ðó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà". “Nhân tâm thiên lý” của Người tuy giản dị nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc, thấm đậm truyền thống đại đoàn kết và giàu lòng nhân ái của dân tộc ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đồng thời, Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để kiều bào phát huy tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết luận hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết luận hội nghị. (Ảnh: Quang Vinh).

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào ta cả trong nước cũng như ở nước ngoài, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, khích lệ kiều bào nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng về địa bàn. Đến nay, 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có cuộc sống ngày càng ổn định, hội nhập tích cực vào xã hội sở tại, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận 12-KL/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP, các ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể đã và đang tích cực quán triệt, triển khai những nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 2021-2026. Bên cạnh nỗ lực thực hiện Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 169/NQ-CP, Bộ Ngoại giao đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 4 Đề án để triển khai các nhiệm vụ về chăm lo đồng bào ta tại các địa bàn khó khăn, củng cố đại đoàn kết đồng bào ở nước ngoài, khơi dậy và phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Triển khai sâu rộng, thường xuyên, sáng tạo và hiệu quả

Nhấn mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng cho rằng, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể có vai trò rất quan trọng để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Bộ Ngoại giao (thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và các ngành cần tiếp tục phát huy vai trò trong nghiên cứu, tham mưu, điều phối, hướng dẫn và đôn đốc triển khai các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương để triển khai hiệu quả Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP, trọng tâm là: Phối hợp nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; đẩy mạnh các giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào đóng góp cho phát triển đất nước; đổi mới, hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho bà con về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại, do đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, việc quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu, các cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao cần nghiêm túc học tập, nghiên cứu để nắm vững các quan điểm, nội dung cốt lõi, nhất là các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - những chiến sỹ “tiền phương” trên mặt trận đối ngoại, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP trong đơn vị, cơ quan phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, cụ thể hóa bằng kế hoạch, đề án, chương trình và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại địa bàn, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý thống nhất và hiệu quả của Nhà nước, sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của đồng bào ta ở trong và ngoài nước, việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW, Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn, đóng góp quan trọng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hương Diệp

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/trien-khai-toan-dien-manh-me-cong-tac-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-tinh-hinh-moi-46776.html