Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội, các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh đều được hưởng chính sách kịp thời, đúng quy định.

Những đối tượng yếu thế trong xã hội như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, người lang thang xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa… đều là đối tượng trợ giúp khẩn cấp của xã hội. Và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người làm công tác xã hội (CTXH) càng tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn.

Hỗ trợ, san sẻ khó khăn

Những ngày qua, do trời nắng nóng nên cụ Lê Thị Tám (82 tuổi), ở xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa đau nhức, khó thở, con cháu thì đi làm thuê dưới TP Tuy Hòa chiều tối mới về nên không trông nom thường xuyên. Cụ Tám chia sẻ: “May nhờ có cô Hồ Thị Thư, cộng tác viên CTXH thường xuyên qua nhà thăm hỏi, hỗ trợ lấy thuốc, nước... nên cũng đỡ được phần nào. Các cô, các cháu làm CTXH rất nhiệt tình”.

Nhân viên CTXH chăm sóc cho đối tượng BTXH. Ảnh: KIM CHI

Nhân viên CTXH chăm sóc cho đối tượng BTXH. Ảnh: KIM CHI

Còn cụ Nguyễn Thị Liên (85 tuổi), sống một mình trong căn chòi xập xệ ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Hàng ngày, cụ chống gậy đi xin ăn ở khắp nơi, có khi theo xe lên thị trấn Hai Riêng để xin rồi theo xe về. Những ngày qua, sợ dịch bệnh lây lan, cụ ở nhà. “Không đi xin được, nhưng có các cháu làm thiện nguyện đến hỗ trợ tiền rồi bánh trái, mì tôm... cũng đỡ khổ, đủ sống qua ngày. Thỉnh thoảng cũng có cán bộ văn hóa xã hội của xã đến hỏi thăm, hỗ trợ tiền...”, cụ Liên nói.

Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở trợ giúp xã hội (công lập và ngoài công lập) chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các cơ sở đã chú trọng hơn trong khâu sinh hoạt, ăn uống, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường sức khỏe cho các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hiện tại, tỉnh thực hiện trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho hơn 52.460 đối tượng BTXH. Tất cả những đối tượng này đều thuộc nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội cần sự quan tâm của Nhà nước, trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Hàng năm, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể đều dành thời gian, tình cảm, vận động kêu gọi để hỗ trợ, san sẻ với những mảnh đời khó khăn trong tỉnh. Trong thời gian dịch bệnh còn kéo dài, những đối tượng BTXH hàng ngày được các nhân viên, cộng tác viên CTXH chăm sóc tận tình hơn.

Đảm bảo ổn định cuộc sống

Không chỉ chăm lo đối tượng BTXH trong thời gian dịch bệnh hoành hành, theo Sở LĐ-TB-XH, năm 2020, tỉnh đã giải quyết cứu đói cho 8.193 hộ nghèo (19.422 khẩu) với 291,3 tấn gạo; phối hợp cùng các ngành chăm lo đời sống vật chất, thăm và tặng quà cho các đối tượng BTXH. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ kịp thời cho 135.936 đối tượng BTXH, hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền hơn 133,57 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong năm 2020, vận động từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 40 nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách; cấp 182.967 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ tiền điện 10.177 hộ nghèo; hỗ trợ đầu tư 10 công trình hạ tầng cơ sở cho các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và 31 công trình cho xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời thực hiện các chương trình, dự án về an sinh xã hội, như: Phát triển nghề CTXH; Trợ giúp người khuyết tật; Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng…

“Để thực sự triển khai tốt các phần việc trên, ngoài sự chung tay của các cấp, ngành, hội đoàn thể, còn có sự đóng góp thầm lặng của không ít nhân viên, cộng tác viên, cán bộ làm CTXH. Đây là những người thấu hiểu, gần gũi, sẻ chia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Từ những cụ già neo đơn đến những nạn nhân mua bán người hay các trường hợp trẻ khuyết tật nặng, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện… rất cần sự kết nối, hỗ trợ của nhân viên CTXH”, ông Đinh Viết Hậu cho biết.

“Ngoài sự chung tay của các cấp, ngành, hội đoàn thể, còn có sự đóng góp thầm lặng của không ít nhân viên, cộng tác viên, cán bộ làm CTXH. Đây là những người thấu hiểu, gần gũi, sẻ chia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống”.

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/256448/trien-khai-kip-thoi-hieu-qua-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi.html