Triển khai kỹ thuật nội soi kép điều trị sỏi đường mật

Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa lần đầu tiên kết hợp kỹ thuật nội soi tán sỏi bằng ống soi mềm và phẫu thuật nội soi mở ống mật trong một lần mổ để điều trị sỏi đường mật cho bệnh nhân.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy sỏi ống mật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy sỏi ống mật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Cụ ông N.V.N., 85 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa nhập viện vì đau hạ sườn phải, da vàng. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đang điều trị.

Qua thăm khám, chụp CT scan bụng, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều sỏi ở đoạn cuối ống mật chủ, nhiều sỏi ở ống gan chung và nhánh trái của gan. Sỏi nhiều khiến đường mật trong và ngoài gan giãn, có ít sỏi bùn ở túi mật.

Các bác sĩ sau đó đã quyết định phẫu thuật nội soi, mở ống mật chủ lấy sỏi ở ống mật chủ và đoạn gan chung, sỏi trong gan cho bệnh nhân. Quá trình bơm rửa đã lấy được nhiều sỏi nhỏ.

Qua kiểm tra đường mật trong gan để đảm bảo không còn sỏi sót lại, các bác sĩ tiếp tục phát hiện một viên sỏi khoảng 1,5cm bị kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ. Do đó, đã sử dụng máy tán sỏi laser để tán vụn viên sỏi và lấy hết sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

ThS-BS Hoàng Thanh Ngân, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, sỏi đường mật là một bệnh lý phức tạp, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời rất quan trọng để tránh các biến chứng như: viêm túi mật, viêm đường mật và tắc mật.

Sỏi đường mật có thể xuất hiện dưới dạng một hoặc nhiều viên, với kích thước từ vài mm đến vài cm. Chúng thường gặp ở ống mật chủ, ống mật trong gan và túi mật. Tính chất của sỏi bao gồm sỏi cholesterol, sỏi sắc tố hoặc hỗn hợp.

Bệnh nhân có thể trải qua cơn đau bụng ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, cơn đau có thể dữ dội và kéo dài. Các triệu chứng khác bao gồm: vàng da, vàng mắt do tắc nghẽn dòng chảy của mật; sốt và ớn lạnh là dấu hiệu viêm nhiễm kèm theo; buồn nôn và nôn, nước tiểu đậm màu và phân bạc màu do mật không vào được ruột.

Người dân cần khám sức khỏe định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện bệnh sớm, nếu có. Khi có các biểu hiện của bệnh, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/trien-khai-ky-thuat-noi-soi-kep-dieu-tri-soi-duong-mat-a2b4450/